Trang chủ » Thông tin » Thông tin trong ngành » Cú lừa “công nghệ tế bào gốc”?

Cú lừa “công nghệ tế bào gốc”?

Những lời quảng cáo về khả năng thần kỳ trong việc tái tạo lại làn da căng mịn trẻ trung đã khiến chị em phụ nữ, giới làm đẹp mê mẩn và đổ xô vào sử dụng mỹ phẩm công nghệ tế bào gốc (MPCNTBG). Điều đáng nói là có những chủng loại mỹ phẩm trên thế giới cấm sử dụng nhưng ở Việt Nam lại bán nhan nhản trên thị trường, sử dụng đầy trong các spa, thẩm mỹ viện.

Juvi spa, một sản phẩm công nghệ tế bào gốc có nguồn gốc từ con người

của công ty FBM

Quảng cáo lên tận trời xanh

Do đã gọi điện thoại từ trước nên vừa gặp chúng tôi, cô gái tên Hoàng Dương ngay lập tức đã nổ bôm bốp: “Anh tìm đến em là đúng chỗ rồi! Da anh kém lắm. Em sẽ giúp anh trẻ lại chục tuổi. Và điều mà cô gái “giúp” chúng tôi trẻ lại là soạn ra từ túi xách một lô một lốc nào là hộp, lọ, tuýp mỹ phẩm và bắt đầu một bài ca về những thứ này. Qua những lời ca bay bổng của cô gái, chúng tôi hiểu rằng đây không phải là hóa mỹ phẩm, mà là mỹ phẩm được làm từ công nghệ tế bào gốc (CNTBG). Những cái tuýp đơn giản kia nhưng nghe cô gái nói thì có hiệu quả như thần trong việc làm giảm nếp nhăn, chữa hết sẹo lõm, giúp làm da căng mịn lại như tuổi thanh xuân!

Loại mỹ phẩm Hoàng Dương giới thiệu, được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Sinh học và Y học tái tạo (FBM) của Việt Nam. Hiểu nôm na tế bào gốc là loại tế bào được hình thành ngay khi trứng vừa thụ tinh (ở thực vật là noãn vừa thụ phấn), sau đó dưới tác động của hóc-môn, mỗi tế bào sẽ tạo ra các tế bào có chức năng hình thành các cơ quan, mô tạng và liên tục nhân đôi để tạo nên cơ thể hoàn chỉnh. Ngày nay khoa học nghiên cứu đặc điểm này của tế bào gốc để nuôi cấy, sử dụng trong y học nhằm chữa bệnh và sửa chữa được một số khiếm khuyết trong cơ thể người.

Việt Nam thời gian qua đã thực hiện thành công gần 40 ca ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh.

Từ chức năng này, người ta đã dùng các sản phẩm trong công nghệ nuôi dưỡng tế bào gốc đưa vào thành phần mỹ phẩm và quảng cáo rằng các sản phẩm này cũng có chức năng như… tế bào gốc! Công ty FBM đã đưa chất dịch nuôi dưỡng tế bào gốc được tách từ màng nhau thai của trẻ sơ sinh vào sản xuất ra sản phẩm dưỡng da Juvi. Và toàn bộ nhân viên phân phối sản phẩm này mấy ngàn người được trang bị chung một bài ca y hệt nhau, là chất dịch này có đầy đủ dinh dưỡng sẽ nuôi dưỡng tế bào da, giúp tế bào sản sinh ra sợi collagen, nhờ đó giúp da lấy lại sự đàn hồi, tươi trẻ.

Những lời quảng cáo lên tận trời xanh đã đánh trúng tâm lý khiến giới thích làm đẹp mê tít, bởi đây là những điều mà giới làm đẹp hằng khát khao mơ ước. Với phụ nữ, nếu đánh đổi để lấy lại được sắc đẹp của tuổi thanh xuân, bảo đảm tiền tỉ họ cũng không tiếc. Và Juvi lập tức được xem như là vị cứu tinh của sự cải lão hoàn đồng.

Ngoài chị em phụ nữ, loại mỹ phẩm này cũng đã hút hồn gần như hầu hết giới ca sĩ, diễn viên. Đêm “VIP Celebration party” 24/8/2010 mà người viết bài chứng kiến tại tòa nhà Parkson Flemington đường Lê Đại Hành, hội tụ đến 500 nghệ sĩ, diễn viên. Trong số này người ta thấy có đông đảo các gương mặt nổi tiếng khu vực phíaNam, và 2/3 trong số họ dùng sản phẩm Juvi. Hơn cả vậy, hai nghệ sĩ Lý Hải và Kim Tử Long còn góp vốn vào Công ty Cổ phần Mạng lưới Hữu Nghị (FNC), trở thành ông chủ công ty phân phối. Một con số để hình dung sự phát triển rầm rộ của sản phẩm này, là chỉ trong vòng đúng một năm từ tháng 4/2010 đến 4/2011, FNC đã đạt doanh số 58 tỉ đồng.

Làm đẹp bằng phương pháp lăn kim tế bào gốc tốn hàng chục triệu đồng nhưng tác dụng thì chưa rõ

Đi kèm với lời quảng cáo có cánh ấy là một giá bán không hề rẻ. Nếu chỉ dùng loại thoa để dưỡng da thì có sản phẩm từ 575.000 đến 1,5 triệu/hộp dùng từ nửa tháng đến 1 tháng. Những ai mặt rỗ muốn lấp cho kín nỗi tự ti thì dùng Juvi Fill để lăn kim. Thật là kinh khủng khi với giá 2,5 triệu/hộp nhưng chỉ lăn kim được 1 lần. Mà lăn kim không thể một lần mới đạt hiệu quả, mà phải lăn đi lăn lại nhiều lần, nghĩa là phải bỏ ra không ít tiền bạc.

Mê hồn trận mỹ phẩm tế bào gốc

Hiện Công ty FNC chuyển sang nhập và phân phối sản phẩm của Tập đoàn Unhwa (Hàn Quốc). Unhwa cho rằng mỹ phẩm làm từ công nghệ tế bào gốc của họ có thành phần nguồn gốc của loài sâm cao ly 50 tuổi và cây thông đỏ hơn 1000 năm tuổi. FNC cho rằng, các chế phẩm của Unhwa là sản phẩm đầu tiên được Cục Quản lý Dược cấp phép. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại trên thị trường có hàng chục loại sản phẩm cũng được cho là sản xuất từ CNTBG.

Tại thẩm mỹ viện X. Tr. (đường Lê Thị Riêng, quận 1), chúng tôi được giới thiệu nhãn hàng Platicell do Hãng mỹ phẩm Tegorde thuộc Tập đoàn dược phẩm Grupo Tegor (Thụy Điển) sản xuất. Theo Phiếu công bố thông tin gửi Cục Quản lý Dược thì sản phẩm có nguồn gốc từ quả táo, được sản xuất bằng công nghệ nano. Tuy nhiên, làm thế nào để biết được đây là sản phẩm nano vẫn là điều rất khó.

Điều đáng nói là rất nhiều sản phẩm cho rằng sản xuất bằng CNTBG, được sử dụng trong thẩm mỹ viện, spa, bán trôi nổi trên thị trường không rõ thực hư đâu là thật, đâu là giả, đâu là hàng chính hãng nhập khẩu, đâu là hàng xách tay chưa được kiểm nghiệm.

Tại siêu thị Maxximart trên đường 3/2 (quận 10), cô gái bán ở một gian mỹ phẩm tên là Huệ, giới thiệu một tuýp Regenneration Multi Stem cell 24 – hour – Cream (đa tế bào gốc tái tạo da – kem 24 giờ), cho là của Công ty Chiara Ambra (Đức). Sản phẩm được cho là có thành phần của 3 loài thực vật, là nho, táo và hoa hồng mọc ở độ cao trên 2.000m trên đỉnh núi An-pơ. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi sản phẩm này được kiểm định và cấp phép như thế nào, cô gái nói không rõ, chỉ khi nào khách hàng đặt thì mới mang về. Tại cửa hàng cũng không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc.

Ở gian hàng cạnh đó cũng trưng bày mỹ phẩm được cho là CNTBG có tên Marine Stone, nhập từ Hàn Quốc. Loại kem thoa giá bán 619.000 đồng/lọ và nước xoa mặt 649.000 đồng/chai. Người bán hàng cho biết, sản phẩm có nguồn gốc từ loài tảo nâu, nước san hô và các loài thực vật biển. Trên vỏ hộp có tờ giấy nhỏ ghi công ty nhập khẩu và phân phối là Hoa Sen Việt. Tuy nhiên khi hỏi về các văn bản cho phép nhập khẩu và kinh doanh, nhân viên cửa hàng này cũng không rõ.

Trên thị trường có nhiều cửa hàng mỹ phẩm bán MPCNTBG nhưng lai lịch không mấy rõ ràng

Chúng tôi cùng một đồng nghiệp nữ đến số 165 Cao Thắng, quận 10, là một trong 5 chi nhánh của Thẩm mỹ viện Malisa. Cô gái đưa một hộp Medic Roller, nói rằng có nguồn gốc từ ngũ cốc và nhau thai động vật. Tuy nhiên thực vật và động vật gì thì cô không biết. Trên vỏ hộp là một mảnh giấy tự đánh máy chữ “tế bào gốc BFGF” và dán lên vỏ hộp! Hộp có 6 lọ, giá bán sỉ 2 triệu/hộp, nhưng nếu mở ra để bán lẻ thì giá 800.000 đồng/2 lọ. Người giới thiệu nói rõ là hàng xách tay từ nước ngoài về. Hàng xách tay, không hề có chữ Stem Cell, mà vẫn giới thiệu được là MPCNTBG, có nghĩa sẽ bán cho người sử dụng hoàn toàn không có kiến thức.

Ngày 11/10, chúng tôi đã gọi đến Phòng Quản lý mỹ phẩm thuộc Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, và được cán bộ phòng này cho biết, hiện trên thị trường Việt Nam có hàng trăm loại sản phẩm tế bào gốc thực vật và Bộ cũng đã cấp giấy phép cho nhiều sản phẩm. Tuy nhiên cán bộ phòng cũng thừa nhận, với các loại hàng xách tay, nhập lậu từ nước ngoài về, khó lòng kiểm soát. Theo cán bộ này, tốt nhất khi mua sản phẩm, người mua nên yêu cầu chủ hàng đưa ra giấy cấp phép của Bộ Y tế, hoặc phiếu công bố thông tin sản phẩm. Nếu trên sản phẩm không có chữ Stem Cell thì đó không phải là sản phẩm CNTBG, chưa được Bộ Y tế cấp phép.

Treo đầu dê bán thịt chó?

Cũng trong cuộc gọi ngày 11/10 này, điều thật sự làm chúng tôi kinh ngạc, là đơn vị quản lý này cho biết, hiện trong nước không cấp phép cho bất cứ sản phẩm mỹ phẩm tế bào gốc nào có nguồn gốc từ con người!

Theo Phòng này, mỹ phẩm là nhóm hàng đầu tiên Việt Nam tham gia hội nhập trong khối ASEAN. Hiệp định Mỹ phẩm ASEAN và phụ lục 2 của Hiệp định này quy định trên 1.400 chất cấm không được phép sử dụng trong mỹ phẩm, trong đó có các sản phẩm điều chế mà thành phần từ mô, tế bào, hệ, cơ quan, các chất khác… có nguồn gốc từ con người.

Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, giảng viên Trường đại học Kiến quốc (Hàn Quốc), tế bào gốc và các thành phần liên quan chỉ có thể duy trì được trong môi trường nuôi cấy, bảo quản nghiêm ngặt, nên nếu đem trộn chung với các thành phần khác trong một tuýp/lọ, thì khả năng tác dụng sẽ không còn, chưa nói là có thể sinh ra những chất gây hại cho sức khỏe. Ông cho rằng thế giới cấm sử dụng mỹ phẩm mà trong thành phần có liên quan đến nguồn gốc con người, vì e ngại chứa mầm mống gây bệnh viêm gan, HIV và các bệnh truyền nhiễm khác.

Bác sĩ Hồ Hải, chủ phòng mạch Á Châu ở quận 9, chuyên môn ghép tạng, cũng cho rằng dịch nuôi tế bào thực chất chỉ là nước muối sinh lý, không có gì bổ dưỡng như thần như quảng cáo của các nhà sản xuất mỹ phẩm. Ông cũng cho rằng, gene điều tiết sản sinh ra collagen trong bộ nhiễm sắc thể, mỗi lần collagen nhân lên thì gene này mất đi một vài acid amin và trở nên yếu đi, vì vậy không thể có chuyện chỉ cần cung cấp dinh dưỡng cho tế bào là sẽ thúc đẩy được tăng sinh collagen.

Để giải tỏa thắc mắc, chúng tôi tìm bộ hồ sơ in cấp phép sản phẩm mỹ phẩm của Công ty FBM, là nơi sản xuất mỹ phẩm có nguồn gốc tế bào gốc từ màng dây rốn của thai nhi. Và một lần nữa chúng tôi lại bị bất ngờ. Theo các tờ Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm ngày 10-8-2010 của FBM gửi cho Sở Y tế TP Hà Nội được đánh số 127/10/CBMP-HN và 131/10/CBMP-HN, trong thông tin khai báo các sản phẩm Juvi Mask, Juvi Skicare và Juvi Grows của FBM không có thành phần liên quan đến tế bào gốc.

Như vậy ở đây chỉ có một trong hai khả năng: Một là FBM đã mập mờ thông tin, cung cấp một sản phẩm hóa mỹ phẩm thông thường nhưng lại rêu rao là CNTBG. Hai là sản phẩm đích thực có CNTBG và liên quan đến nguồn gốc con người, nhưng khi xin phép đã không công bố thành phần sản phẩm. Kể cả hai khả năng thì khả năng nào cũng vi phạm đạo đức kinh doanh. Nếu xảy ra ở khả năng thứ nhất thì có nghĩa FBM “treo đầu dê bán thịt chó”, còn nếu khả năng thứ hai thì có nghĩa FBM chơi trò “bịt mắt bắt dê” với cơ quan quản lý mà ở đây là Sở Y tế Hà Nội. Nhưng đằng nào thì người tiêu dùng vẫn là người bị lừa vì đã sử dụng một sản phẩm đắt tiền nhưng không rõ đó là sản phẩm gì!

Hiện nay, mặc dù thông tin đã rõ ràng, nhưng các sản phẩm Juvi vẫn tiếp tục được tung ra thị trường, và vẫn với thông tin là MPCNTBG có nguồn gốc từ con người – là điều thế giới nghiêm cấm. Anh Hoàng, một nhà phân phối của FNC cho biết, ngoài người dùng lẻ, hai nơi mà anh cung cấp là spa Minh Thư 151-153 Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình và Viện Chăm sóc da Nhật – Hàn 285/25 Cách mạng Tháng Tám, quận 10. Mỗi tháng Hoàng bán 50 hộp các loại Juvi, một số lượng không hề nhỏ. Có nghĩa hàng tháng chỉ hai nơi này đã có hàng trăm chị em đến dùng các sản phẩm mà thế giới đã cho rằng nguy hiểm và đã nghiêm cấm.

Thiết nghĩ, những lời cảnh báo của các chuyên gia không nên bỏ qua. Bởi sử dụng MPCNTBG có giá đắt gấp hàng chục, hàng trăm lần hóa mỹ phẩm thông thường, nhưng nếu không cẩn trọng, tiền mất tật mang. Lúc đó dù có hối hận thì tất cả cũng đã muộn.

Đặng Vỹ – CAND

 

 

Bài thuốc nam lành tính hay khác điều trị bệnh trĩ tại nhà thuốc nam An Dược !

Nhận xét sản phẩm: "Cú lừa “công nghệ tế bào gốc”?"