Trang chủ » Thông tin » Thông tin trong ngành » Quản lý giá thuốc: Bộ Y tế muốn buông?

Quản lý giá thuốc: Bộ Y tế muốn buông?

Phát biểu trong phiên trả lời chất vấn ngày 11-6 tại Quốc hội, Bộ trưởng Y tế không còn muốn phải quản lý giá thuốc, vì điều này giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Bộ Y tế chỉ nên làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Tăng sử dụng thuốc Việt

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về vấn đề quản lý giá thuốc chữa bệnh vốn là một mặt hàng thiết yếu, bởi vì 90 triệu dân đều phải dùng đến thuốc chữa bệnh thì lại bị buông lỏng, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, khó khăn cho người dân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói, quản lý giá thuốc hiện nay vẫn theo Luật Dược năm 2005, gần đây là theo Luật Giá, và trong Luật Đấu thầu vừa qua có thêm một chương đấu thầu về thuốc.

Hai năm qua, Bộ Y tế quản lý bằng thông tư đấu giá quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc bằng Thông tư 01 và sau này đổi thành Thông tư 36, 37. Những điểm mới của các văn bản này đã phân chia các nhóm thuốc thành những nhóm đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc của Liên minh châu Âu (EU) theo các nhóm nước phát triển G7, tách ra với nhóm nước cũng đạt GMP nhưng không phải phát triển, nhóm thuốc của Việt Nam và các nhóm khác, tách các nhóm thuốc đông y, thuốc y học cổ truyền, thuốc dược liệu và tách cả nguyên liệu đầu vào để có chất lượng. Như vậy, rõ ràng đấu thầu thuốc giúp công khai, minh bạch, khách quan hơn khi để các loại thuốc với nhau.

Ngoài ra, chúng ta có hai loại thuốc lớn, một là thuốc quản lý chi trả theo ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế và thuốc trên thị trường. Thuốc chi trả theo ngân sách nhà nước tuân theo Luật Đấu thầu hiện nay. Đối với các tỉnh, thường đấu thầu tập trung tại Sở Y tế, còn đối với đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thì phân quyền cho các bệnh viện. Thuốc trên thị trường, không thuộc ngân sách nhà nước chi trả, được quản lý bằng tổ liên ngành của ba bộ: Công thương, Tài chính, Y tế phối hợp và các tổ chức khác. Các doanh nghiệp phải kê khai giá theo một khung giá nhất định.

Ở các nước, quản lý giá thực hiện đối với thuốc do ngân sách chi trả như bảo hiểm y tế, còn thuốc ngoài thị trường chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Nhưng tại Việt Nam, kể cả thuốc ngoài thị trường vẫn quản lý theo phương thức kê giá. Hiện nay thuốc bảo hiểm y tế có khoảng 900 hoạt chất và khoảng hơn 10 nghìn loại thuốc. Ở ngoài thị trường khoảng 1.500 hoạt chất và 22 nghìn loại thuốc.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cách đây hai năm, Bộ Y tế đã xây dựng đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về ưu tiên người Việt dùng hàng Việt. Bộ xây dựng đề án “Những ngôi sao Việt” để bình chọn những thuốc Việt đạt chất lượng cao, giá thành vừa phải, từ đó khuyến khích dùng thuốc nội.

Bộ trưởng Y tế đánh giá cách quản lý giá thuốc hiện nay khá chặt so với các nước trong khu vực, vì quản cả thuốc ngoài thị trường. Giá thuốc được dao động chung quanh một biên độ giá, phải kê khai và có tổ quản lý liên ngành thị trường quản lý. Sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 01 và Thông tư 11 cũng như Thông tư 36, 37 về cách thức đấu thầu, hồ sơ mời thầu đã có một số kết quả.

Thứ nhất, chi phí thuốc do bảo hiểm y tế tiền giảm 20-35% và thuốc Việt được sử dụng trong nước tăng lên gần gấp đôi. Kết quả của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 26 bệnh viện trực thuộc Bộ đều giảm từ 20-35%, số tiền tiết kiệm tương ứng là 379 tỷ.

Thứ hai, tỷ lệ thuốc nội đã tăng lên gấp đôi. Trong đề án người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, năm qua đã đạt tỷ lệ này. Bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện tuyến huyện phải tăng 2% đến 4%/ năm.

Giá thuốc của Việt Nam thấp hơn một số nước chung quanh

Bộ trưởng Y tế nhận định về thực trạng giá thuốc Việt Nam hiện nay. Trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giá thuốc Việt Nam luôn đứng thứ chín trong thống kê của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch – Đầu tư . Năm 2013, mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 3,45% thấp hơn mức tăng CPI 6,04% và đứng thứ chín trên 11 nhóm hàng. Tỷ lệ này trong bốn tháng đầu năm 2014 là 0,74% so với chỉ giá tiêu dùng là 0,88%. Như vậy, mặc dầu mặt hàng rất nhạy cảm và thiết yếu nhưng cũng luôn đứng thứ tám hoặc thứ chín trong xếp hạng CPI.

Đoàn công tác liên ngành gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và các chuyên gia đi khảo sát 36 mặt hàng phổ biến trong các bệnh viện ở hai nước Trung Quốc và Thái-lan. So sánh thì thấy, giá thuốc của Việt Nam thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 đến 2 lần, thấp hơn của Thái-lan từ 2 đến 3 lần. WHOkết hợp với Viện Chiến lược chính sách cũng điều tra, đánh giá khoảng 3.000 mặt hàng thuốc để xem sự tăng giá trong thời gian vừa qua, giá thuốc của Việt Nam tăng như thế nào với tốc độ tăng của giá thuốc trên thế giới. Theo đó, đối với thuốc nội tốc độ tăng thấp nhưng đối với thuốc nhập khẩu, tốc độ tăng mức trung bình. Qua đó thấy rằng, giá thuốc của Việt Nam không phải là giá cao nhất.

Đặc biệt, hiện nay, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa đề án ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và có một hội đồng độc lập để thuốc Việt sẽ tiến tới chiếm một tỷ lệ cao hơn.

Bộ Y tế muốn buông quản lý giá thuốc?

Hiện nay, thuốc Việt Nam chiếm 50% tổng số thị trường. Ba bộ: Tài chính, Công thương và Y tế cũng phối hợp chặt chẽ trong tổ liên ngành cũng như các hội đồng chuyên môn. Trong Luật Dược sắp tới này, Bộ Y tế cũng mong muốn Bộ Y tế không nên quản lý giá. Bởi vì Bộ Y tế vừa quyết định nhập khẩu, vừa xây dựng các tiêu chuẩn, vừa sản xuất, vừa phân phối, vừa ghi toa, vừa bán thuốc. Mà thuốc người bệnh không thể mặc cả được bên ngoài thị trường. Như vậy là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” . Trong Luật Dược, Bộ Y tế chỉ nên làm công tác chuyên môn.

Bộ trưởng Y tế cũng hy vọng Luật Dược sửa đổi cần đột phá, phát triển công nghiệp dược thành mũi nhọn, tiến tới Việt Nam càng tự túc nhiều thuốc trong nước càng tốt. Hiện nay, một số thuốc đã được xuất khẩu. Theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Dược sẽ mở rộng hơn, có thể gọi là Luật Dược (sửa đổi) và được trình trong kỳ họp tới. Bà cũng kỳ vọng thuốc ở Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả vừa phải, để phục vụ người dân, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, và quỹ bảo hiểm y tế.


NGÂN ANH

Nhận xét sản phẩm: "Quản lý giá thuốc: Bộ Y tế muốn buông?"