Trang chủ » Thông tin » Thông tin thuốc an toàn » Báo động về nạn thuốc giả!

Báo động về nạn thuốc giả!

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là thuốc bị nhiễm khuẩn, thuốc không có hoạt chất hay không đúng hoạt chất, thuốc có đúng hoạt chất nhưng không đúng liều lượng. Thuốc giả là thuốc bất hợp pháp và gây tác hại đến sức khỏe.

Như vậy, phân loại thuốc giả của WHO được mở rộng bao gồm thuốc giả và thuốc kém chất lượng.

Hiện nay, thuốc giả đang tràn ngập nhiều nơi trên thế giới, gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Thuốc giả không chỉ gây ra “tiền mất tật mang” mà còn đe dọa đến tính mạng!

Mới đây, chính quyền Ấn Độ điều tra và kết luận thuốc giả là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng trăm trẻ sơ sinh tại Bệnh viện phụ sản GB Pant ở Kashmir trong 3 năm qua. Và gần 8.000 bệnh nhân thiệt mạng tại một bệnh viện ở bang Jammu & Kashmir trong vòng 5 năm qua do được điều trị bằng một loại thuốc kháng sinh không có hoạt chất trị bệnh!

Vào năm 2008, 149 người Mỹ đã bị tử vong sau khi uống thuốc heparin (thuốc chống đông máu, ngăn ngừa huyết khối tim mạch) giả do Trung Quốc sản xuất!

Nạn thuốc giả hiện là vấn đề toàn cầu, khi không còn khu trú ở một quốc gia riêng lẻ mà lan tràn từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ châu lục này sang châu lục khác. Mức độ sản xuất thuốc giả đang ngày càng quy mô và tinh vi, nếu chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài cũng không thể phân biệt được thuốc giả, thuốc thật!

Đặc biệt, Ấn Độ và Trung Quốc là những nước có nền công nghiệp dược phát triển hàng đầu trên thế giới cũng chính là các quốc gia sản xuất thuốc giả với quy mô lớn và nghiêm trọng hơn là có sự tiếp tay của một số công ty dược phẩm lớn tại các nước này.

WHO ước tính tại các thành phố lớn ở Ấn Độ, cứ 5 viên thuốc bán ra có 1 viên thuốc giả. Thuốc giả đã tăng trưởng lên mức chiếm lĩnh 10 – 20% toàn bộ thị trường.

Vừa qua, FDA (Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã lên tiếng cảnh báo chất lượng và độ an toàn của các loại thuốc sản xuất tại Ấn Độ và nghiêm cấm nhập một số loại thuốc từ Ấn Độ. FDA cũng đã khởi kiện công ty Ranbaxy (một công ty dược phẩm lớn của Ấn Độ) với mức phạt 500 triệu USD do tiếp tay sản xuất thuốc giả!

Tại Trung Quốc, vào ngày 15/12/2013, cảnh sát đã bắt giữ 1.300 người tình nghi sản xuất và buôn bán thuốc giả, với tang vật gồm nhiều loại dược phẩm giả (từ thuốc cảm cúm… đến thuốc tim mạch) và 9 tấn nguyên liệu thô trị giá 2,2 tỉ NDT!

Ở nước ta, trên các phương tiện truyền thông báo, đài vẫn thường ngày đưa tin các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị đình chỉ lưu hành và thu hồi. Vào ngày 24/2/2014, trong buổi lễ ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự giữa Công an Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội, cùng các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Công an Hà Nội, phát biểu: “Thuốc giả không chỉ tồn tại ở các nhà thuốc tư nhân, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mà đã thâm nhập vào một số chuỗi cung ứng như công ty, nhà thuốc bệnh viện”.

Qua đó, cho chúng ta thấy được mức độ nghiêm trọng của tình hình thuốc giả đang tràn lan ở nước ta hiện nay, gây ra những thiệt hại lớn lao về sức khỏe, tính mạng và kinh tế.

Tuy hoàn cảnh của mỗi nước khác nhau, nhưng hầu hết chính phủ các nước đều có những nỗ lực chống lại nạn thuốc giả. Ở nước ta, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, công an, hải quan, quản lý thị trường…, người dân cần chú ý:

– Không mua thuốc giá rẻ, trôi nổi, có nguồn gốc không rõ ràng.

– Nên mua thuốc ở các nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện, công ty dược phẩm có uy tín, đảm bảo được nguồn gốc rõ ràng của thuốc.

 

DS. MAI XUÂN DŨNG

Nhận xét sản phẩm: "Báo động về nạn thuốc giả!"