Trang chủ » Thông tin » Thông tin » Thông tin trong ngành » Bao giờ hết thuốc “lạ” trúng thầu giá cao ?

Bao giờ hết thuốc “lạ” trúng thầu giá cao ?

Bộ Y tế vừa đưa ra giải pháp ngăn ngừa hiện tượng thuốc không thông dụng trúng thầu giá cao để sử dụng trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trong Công văn số 4837/BYT-BH ngày 7-7. Theo đó, các sở y tế, bệnh viện không được đưa vào kế hoạch mua sắm các thuốc không thông dụng nếu đã có các thuốc cùng hoạt chất với hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp bảo đảm cạnh tranh.

tu-thuoc-trong-gia-dinh

Nếu trong trường hợp đặc biệt cần sử dụng, phải nêu lý do và trình Bộ Y tế xem xét. Đây là phản ứng chậm của Bộ Y tế bởi từ năm 2013, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã cảnh báo tình trạng thuốc không phổ biến trúng thầu giá cao với số lượng lớn qua các năm gây khó khăn trong điều trị, sử dụng thuốc, tăng chi phí quỹ BHYT và đến tháng 3-2015, BHXH Việt Nam buộc phải thống kê 23 thuốc không thông dụng đã “lỡ” trúng thầu năm 2014 để dừng không thanh toán tiền từ quỹ BHYT cho các loại thuốc này.

Đây cũng là lần đầu Bộ Y tế định nghĩa thuốc không thông dụng là “thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao”. Khái niệm này có thể nhằm lý giải yếu tố thị trường, rằng sản phẩm ít số đăng ký lưu hành thì tất yếu ít có cạnh tranh. Dù với khái niệm nào thì bản chất vấn đề vẫn là các loại thuốc không bình thường lọt vào danh mục thuốc đấu thầu tại các địa phương và trúng thầu với số lượng lớn, giá cao gấp nhiều lần so với thuốc có cùng hoạt chất với hàm lượng và dạng bào chế thông dụng, gây nguy cơ thất thoát quỹ BHYT, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người có thẻ BHYT. Về nguyên tắc, thuốc không thông dụng chỉ chiếm một phần nhỏ trong danh mục thuốc đấu thầu vì thuốc đó được giới hạn chỉ định cho số ít người bệnh. Nhưng bất thường kéo dài nhiều năm nay là những loại thuốc không thông dụng lại trúng thầu số lượng lớn, giá trị tiền cao. Chủ yếu thuốc sản xuất trong nước, ở nhóm giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, kháng sinh, thuốc bổ… Nếu hàm lượng phổ biến là 500 mg, 250 mg thì các thuốc này sẽ có hàm lượng “lạ” như 750 mg, 300 mg…, hay kết hợp những hoạt chất “lạ” không theo công thức thông thường. Chỉ một số ít các doanh nghiệp được cấp phép đăng ký, cho nên các sản phẩm này “một mình một cửa” lọt vào danh sách trúng thầu là chuyện không quá khó hiểu. Khi thuốc không thông dụng lại chiếm phần lớn tổng giá trị tiền thuốc điều trị của một địa phương nào đó, thì rõ ràng các thuốc chuyên khoa khác bị cắt đi, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT. Người bệnh bình thường phải dùng thuốc không thông dụng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí lãng phí vì phải bẻ thuốc chia lại liều. Do đó, thuốc không thông dụng không thể đổ lỗi cho yếu tố thị trường mà hoàn toàn do lỗi quản lý của ngành y tế và BHXH khi chưa xây dựng được danh mục thuốc đấu thầu đáp ứng yêu cầu giá cả và nhu cầu điều trị trong khi thị trường có đủ thuốc thay thế.

Tuy vậy, dư luận hy vọng việc Bộ Y tế đề nghị các sở y tế, các bệnh viện không đưa vào kế hoạch mua sắm 23 loại thuốc không thông dụng sẽ bước đầu “chặn” được thuốc “lạ” trúng thầu giá cao. Nhưng cũng không ít người lo ngại sẽ tiếp tục xuất hiện những thuốc có dạng bào chế, hàm lượng “lạ” khác bởi BHXH Việt Nam chưa thống kê hết các loại thuốc “lạ” do không có chức năng quản lý và chuyên môn sâu về y dược.

Để chấm dứt tình trạng thuốc “lạ” trúng thầu giá cao, nên chăng, Bộ Y tế cần ban hành một danh mục đầy đủ các loại thuốc không thông dụng để cảnh báo các bệnh viện khi chọn thuốc điều trị. Việc BHXH Việt Nam không phải là cơ quan quản lý nhà nước về y tế mà phải đưa ra một danh mục thuốc không thông dụng là điều không bình thường và nếu không rõ ràng trách nhiệm quản lý thì sẽ vẫn còn xảy ra chuyện thuốc “lạ” trúng thầu giá cao.

 

Nhận xét sản phẩm: "Bao giờ hết thuốc “lạ” trúng thầu giá cao ?"