Trang chủ » Thông tin » Chuyên gia mách nhỏ » Thông tin » Bệnh quai bị: Chủ quan là nguy

Bệnh quai bị: Chủ quan là nguy

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm, thường xảy ra vào mùa đông – xuân, nhưng trên thực tế tháng 11 vừa qua rải rác ở một số địa phương như: Thanh Hóa, Điện Biên, Hà Nội đã ghi nhận ca mắc.

79952_img

Tại xã Yên Lâm (Yên Định – Thanh Hóa) tính đến ngày 6/11 lũy tích số bệnh nhân đã tăng lên 111 trường hợp mắc, tập trung chủ yếu ở trường mầm non, trường tiểu học. Tại tỉnh Điện Biên, theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 120 ca mắc bệnh quai bị (tăng gần 40 ca so với cùng kỳ năm trước). Hiện chưa có thuốc đặc trị chữa quai bị nhưng đã có vắc-xin phòng bệnh. Vì thế, phụ huynh cần đưa trẻ trên 2 tuổi đi tiêm phòng để hạn chế biến chứng. Bệnh dễ lây lan.

Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virut quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch ở trẻ em, thanh thiếu niên do virut quai bị gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và lứa tuổi vị thành niên, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ thấp. Bệnh do virut lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi… Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virut quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần. Khi bị nhiễm bệnh, virut nhân lên trong khoang tỵ hầu và hạch bạch huyết. Virut tăng cao trong huyết thanh khoảng 12-15 ngày sau nhiễm và lan ra các cơ quan khác. Thời gian dễ lây là từ 6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.

Dễ nhầm với một số bệnh khác
Thời kỳ ủ bệnh kéo dài khoảng từ vài ba tuần. Sau đó là xuất hiện sốt cao đột ngột (38 – 39oC) kèm theo đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, ngủ kém. Vì vậy trong thời kỳ này có thể nhầm với một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, phế quản cấp tính.

Sốt cao, kéo dài từ 1 – 3 ngày thì tuyến nước bọt, hạch lân cận sưng to và nuốt đau. Đầu tiên là tuyến nước bọt và hạch góc hàm một bên sưng, sau vài ngày thì tiếp tục sưng tuyến nước bọt và hạch góc hàm đối diện.

Đặc điểm của sưng tuyến nước bọt là sưng hai bên thường không cân xứng (một bên sưng to, bên đối diện có thể sưng nhỏ hơn). Một số trường hợp do tuyến nước bọt sưng quá to làm cho cằm, cổ bạnh ra gây biến dạng cả bộ mặt. Da vùng tương ứng với tuyến nước bọt bị căng, bóng, không đỏ nhưng khi sờ vào vùng da đó thì thấy nóng và người bệnh kêu đau. Đau ở 3 vị trí là góc thái dương – hàm, điểm mỏm xương chũm và góc xương hàm dưới làm cho nhai khó, nuốt khó. Sốt kéo dài khoảng 10 ngày và khi hết sốt thì sưng tuyến nước bọt cũng giảm dần. Viêm tuyến nước bọt do virut quai bị không bị hóa mủ (trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn), đây là một đặc điểm quan trọng trong chẩn đoán bệnh quai bị.

Nhiều biến chứng
Bệnh tuy lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể bị những biến chứng nguy hiểm như: viêm tinh hoàn ở nam giới: thường gặp ở tuổi dậy thì, hiếm gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 40 tuổi, xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai 1 – 2 tuần. Bệnh nhân bị đau tinh hoàn sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3 – 4 lần bình thường. Thường thì sưng một bên, cũng có thể sưng hai bên, sau 2 tuần mới hết sưng. Sau 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có teo hay không. Tỷ lệ teo tinh hoàn do quai bị là 30 – 40%. Nếu bị teo tinh hoàn hai bên thì khả năng vô sinh rất cao; Viêm buồng trứng: gặp ở các trường hợp mắc bệnh ở tuổi sau dậy thì (hiếm khi vô sinh). Nếu nhiễm bệnh ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu có khả năng gây dị dạng thai, sẩy thai. Nhiễm bệnh vào 3 tháng cuối có thể tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc đẻ non.

Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến; Viêm tụy: có tỷ lệ 3 – 7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp; Các tổn thương thần kinh: viêm não có tỷ lệ 0,5%, bệnh nhân có các hiện tượng như: thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.

Làm gì khi mắc quai bị?
Khi trẻ có các dấu hiệu quai bị, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán xác định. Nếu đúng là quai bị, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ ở nhà: Hạ nhiệt cho trẻ bằng cách lau mình trẻ bằng nước ấm (không được lau bằng nước lạnh). Có thể cho dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Cho uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý nhằm chống khô miệng. Cần cho trẻ ăn loãng hoặc ăn bằng ống hút nếu trẻ nuốt khó. Chườm ấm bên má bị sưng đau. Không cho trẻ nô đùa chạy nhảy vì những hoạt động này rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn.

Kiêng đồ khó tiêu, không ăn chua và đồ uống có chất kích thích. Các loại thực phẩm này khiến tuyến nước bọt phân tiết làm quai bị sưng to lên, có thể khiến bệnh bị biến chứng. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc uống, thuốc bôi, đắp lên vùng bị sưng để tránh bị nhiễm độc.

Trong trường hợp sốt cao liên tục, có những biểu hiện biến chứng cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Bệnh quai bị hiện chưa có thuốc đặc trị, nhưng có vắc-xin phòng bệnh. Tiêm vắc-xin quai bị rất quan trọng ở những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch chống quai bị. Phụ nữ có thai bị bệnh nếu có điều kiện tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu, dùng 1 liều duy nhất. Người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế đúng tiêu chuẩn để hạn chế đến mức tối đa virut lây sang người chăm sóc, từ đó lây cho người lành khác. Chú ý cải thiện chế độ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt đường hô hấp. Khi có trẻ bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly 10 – 21 ngày (thường là 10 ngày) để tránh lây lan ra cộng đồng.


Theo: Sức khỏe đời sống

 

Nhận xét sản phẩm: "Bệnh quai bị: Chủ quan là nguy"