Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi quan niệm thuốc Đông y có nguyên liệu là cây cỏ thì luôn an toàn!
Chết vì thuốc của chính mình
Từ vài năm trở lại đây, chuyện thuốc Đông y gây hại đã trở thành vấn đề nóng của ngành y tế. Năm trước, nhiều trẻ nhiễm chì vì dùng thuốc cam gia truyền khiến Bộ y tế phải vào cuộc. Văn phòng Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam đã nhận định ngộ độc thuốc cam là mối đe dọa nghiêm trọng. Sau đó Bộ y tế đã tiến hành kiểm nghiệm và đưa ra con số đáng lo ngại là: 60% thuốc Đông y không đạt chất lượng.
Gần đây nhất báo chí đã đưa tin một thầy thuốc Nguyễn Văn Tiến, ở Bình Thuận đã tử vong vì chính thuốc của mình. Việc xảy ra khi một bệnh nhân mua thuốc thấp khớp của ông Tiến đã bị co giật. Bệnh nhân báo cho ông Tiến, ông không tin nên đã thử lại thuốc và tử vong. Sự việc trên khiến không ít người bàng hoàng, bởi khi đi khám bệnh, bốc thuốc thì bệnh nhân phải tin và làm theo thầy thuốc. Nhưng nay ngay chính thầy thuốc cũng chết do thuốc của chính là mình bốc thì bệnh nhân biết đâu mà lường…
Trao đổi về vấn đề này, Lương y Cao Thế Hải, Chủ tịch hội đông y Tp.Hà Nội cho biết: “Tôi không biết cụ thể bài thuốc đó như thế nào nên không thể đánh giá được, nhưng về mặt cảm quan chủ quan của bác sỹ để hiểu thì để sự việc ấy xảy ra có thể do thầy thuốc chế bài thuốc này không mang tính khoa học”. Trước đây khi đặt niềm tin vào thuốc Đông y, người ta thường tin vào kinh nghiệm của thầy thuốc nhưng bây giờ, Đông y cũng cần có biện chứng khoa học.
Thực tế, nhiều người hành nghề bốc thuốc Đông y ở Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là do học lỏm, học không bài bản. Những người này không được cấp phép hành nghề, nhưng người dân Việt vẫn mang tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, giữa lằn ranh của cái chết, họ vẫn tin vào những điều mơ hồ nên rủi ro cao.
Quan niệm thuốc Đông y an toàn, dùng nhầm cũng không độc là sai lầm. Thực chất thuốc Đông y cũng có thể độc hại như các vị từ khoáng chất thần sa, chu sa; các loại thảo mộc cũng có thể độc như phụ tử, mã tiền, cà độc dược…
Cẩn thận với mác “gia truyền”
Thực tế hiện nay, rất nhiều nhà thuốc, thầy lang treo biển “thuốc gia truyền”. Người dân cũng vì tin hai chữ gia truyền và mặc nhiên cho rằng “gia truyền tức là tin vào những năm kinh nghiệm của họ chứ không có khoa học hiện đại chứng minh”. Lương y Cao Thế Hải cho rằng, bây giờ người ta hay lạm dụng từ gia truyền. Lĩnh vực ăn uống, thuốc thang đều lạm dụng từ gia truyền để hút khách. Tuy nhiên, bài thuốc gia truyền cũng phải tuân thủ quy trình rất chặt chẽ để được chứng nhận, phải qua hội đồng khoa học xem xét thẩm định. Nếu được hội đồng khoa học thông qua thì bài thuốc gia truyền ấy mới đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bởi thế lương y Hải khuyên mọi người đừng tin vào hai chữ gia truyền. Nếu muốn dùng bài thuốc gia truyền, người bệnh cũng cần chọn bài thuốc của những phòng khám Đông y đã được cấp phép.
Ở những nhà thuốc chưa được cấp phép thì bài thuốc gia truyền vẫn chỉ là tự phong, không thể chứng minh được tác dụng đến đâu.
Lương y Cao Thế Hải cũng nhấn mạnh tự bản thân bệnh nhân phải tỉnh táo trong việc chọn thầy thuốc, chọn địa chỉ chữa bệnh tin cậy. Hiện nay nhiều người có tư tưởng ‘có bệnh thì vái tứ phương”, hễ cứ nghe ai mách chỗ này chỗ kia có thuốc tốt, thầy tốt thì tìm đến mà bản thân không có sự tìm hiểu chính xác. Bởi vậy mới có chuyện, nhiều người thậm chí còn uống nước lã chữa bệnh, hoặc uống dù mọi cây cỏ mà “thầy thuốc” mách bảo. Tình trạng này sẽ dẫn đến việc “tiền mất tật mang”, thậm chí còn ôm thêm bệnh vào người.
Làm sao mua được thuốc tốt
Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương tiến hành kiểm tra chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền tại một số bệnh viện y dược học cổ truyền và khoa y học cổ truyền của các cơ sở khám chữa bệnh tại một số địa phương. Kết quả cuộc kiểm tra cho thấy, một số đơn vị đã sử dụng sai vị thuốc, sử dụng các vị thuốc kém chất lượng, có tạp chất. Ví dụ một số vị thuốc có trộn tạp chất, nhuộm màu và giả mạo như bạch linh, hoài dương, thỏ ty tử, hồng hoa… nhiều vị thuốc bị trộn tạp chất, một số loại không dùng đúng chức năng bộ phận… Rõ ràng, những đơn vị được kiểm tra kể trên là những đơn vị lớn trong ngành thuốc Đông y còn đem lại kết quả đáng lo ngại thì những phòng khám, những nhà thuốc tư nhân càng khiến người bệnh đặt dấu chấm hỏi lớn. Làm sao để không mua phải thuốc kém chất lượng, liệu người bệnh có thể tự kiểm tra được chất lượng thuốc hay không? Câu trả lời của lương y Cao Thế Hải là không. Chỉ những người thầy thuốc có kinh nghiệm mới có thể nhìn mà biết được chất lượng thuốc đến đâu. Do đó, vấn đề mấu chốt vẫn là tìm đúng thầy giỏi và có tâm.
Bởi vậy lương y Hải khuyên mọi người nên tìm đến cơ sở điều trị bệnh uy tín: “Tất nhiên nhiên những cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước đã được cấp phép cũng có thể gây ra việc nọ việc kia. Nhưng chắc chắn so với những chỗ hành nghề chui, những chỗ không rõ lai lịch thì rõ ràng an toàn hơn”. Nếu đến phòng khám phải chọn nơi có giấy phép. Để nhận diện những phòng khám đã được cấp phép, người bệnh có thể nhìn vào biển hiệu của họ. Những địa chỉ được cấp phép sẽ thông tin đầy đủ trên biển hiệu: địa chỉ, tên chủ phòng khám, giấy phép hành nghề…
Để an toàn, mỗi người chỉ nên dùng thuốc Đông y khi có bệnh, tránh quan niệm “cứ dùng, không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang”.
Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 50.000 tấn dược liệu nhưng 60-70% là nhập ngoại, trong đó có nhiều vị thuốc không rõ nguồn gốc.