Trang chủ » Thông tin » Thông tin thuốc an toàn » Dược liệu kém chất lượng: Hiểm họa khôn lường

Dược liệu kém chất lượng: Hiểm họa khôn lường

Nhiều loại dược liệu không rõ tiêu chuẩn, không được kiểm nghiệm, kém chất lượng vẫn được ngang nhiên mua bán trên thị trường… Nguồn đông dược đang bị thả nổi cả về quản lý và chất lượng.

Nhập nguyên liệu “bẩn”

Theo ước tính, cả nước mỗi năm sử dụng gần 90.000 tấn dược liệu, thuộc gần 4.000 loài thực vật, trong đó 90% là nhập khẩu từ Trung Quốc (80 – 85% được nhập qua đường tiểu ngạch). Vì vậy, tất cả các công ty, cơ sở kinh doanh và sản xuất dược liệu của nước ta đều phụ thuộc vào thị trường dược liệu Trung Quốc.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Anh Minh, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Dược phẩm Việt Hưng cho rằng: Vì Trung Quốc có nguồn dược liệu đa dạng, nền đông y lâu đời, quy hoạch hợp lý, có nhiều vùng đất rộng lớn với từng loại dược liệu khác nhau, đầu tư chiều sâu hoàn thiện từ quy trình trồng trọt, đến cải tạo giống, chế biến sau quy hoạch, nhất là có sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ và giá thành rất hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay vì lợi nhuận, nhiều DN sản xuất thuốc đông dược đã bán rẻ lương tâm của người thầy thuốc để nhập nguyên liệu “bẩn” về bào chế thuốc.

Trước sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh của ngành thuốc đông dược – đã kéo theo sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường về giá thành sản phẩm. Vì vậy, nhiều DN đã không ngần ngại nhập những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, trôi nổi, không đảm bảo chất lượng trên thị trường. Đại diện Hội Đông y Việt Nam cho biết, mỗi năm ngành y tế phát hiện hàng trăm loại đông dược, thuốc y học cổ truyền không chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, số đăng ký, đủ cho thấy đông dược đang bị thả nổi. Không ít loại đông dược còn nhiễm vi sinh, nhiễm chất gây ung thư như Rhodamine B. Nhiều loại còn trộn cả tân dược như dexamethason hay Corticoid, rất nguy hiểm với người dùng.

Một thương lái chuyên cung cấp nguồn dược liệu từ Trung Quốc về Việt Nam tiết lộ: Nếu như các DN sản xuất thuốc đông y ở Trung Quốc rất khắt khe trong việc chọn nguyên liệu như phải có nguồn gốc rõ ràng, giá trị hoạt chất phải còn nguyên, được trồng trong môi trường đảm bảo an toàn, thì DN Việt Nam lại quan tâm đến giá cả trước, sau đó mới đến chất lượng. Vì vậy, họ thường không quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Thậm chí, thương lái này còn khẳng định, có nhiều loại thuốc quý, DN Trung Quốc chỉ  chiết xuất hoạt chất để dùng, phần còn lại, các thương lái thường xin về để bán cho DN Việt Nam. Hay cứ vào mùa đông, dược liệu thường bị ẩm mốc, DN Trung Quốc từ chối nhập hàng, thế nhưng khi mang về Việt Nam cả hàng tấn nguyên liệu ẩm mốc đã được mua hết. Vì thế, các cơ sở trồng dược liệu ở Trung Quốc không bao giờ lo thua lỗ.

Thị trường trong nước với 90 triệu dân đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm thuốc chữa bệnh có nguồn gốc từ tự nhiên. Đánh vào tâm lý đó, các DN sản xuất thuốc đông dược thường đầu tư số tiền “khủng” vào quảng cáo, khuếch trương sản phẩm của mình, còn người tiêu dùng thì quá tin vào quảng cáo nên đã sử dụng sản phẩm mà không quan tâm nguồn gốc dược liệu.

Anh Hùng, giám đốc nhà máy sản xuất thuốc đông dược của một công ty chuyên sản xuất và phân phối thuốc đông dược cho biết, thuốc chữa đại tràng được bán ra thị trường với giá 82.000 đồng/hộp, nếu trừ hết chi phí, mỗi hộp nhà sản xuất sẽ lãi 15.000 – 20.000 đồng/hộp. Trong đó, chi phí dành cho quảng cáo chiếm đến 2/3, còn chi phí dành cho nguyên liệu quá thấp.

Thực tế, đối với các sản phẩm đông dược, nguồn dược liệu chính là yếu tố quyết định chất lượng của thuốc. BS Lê Hùng, Phó chủ tịch Hội Đông y TP. HCM cho biết: Thầy thuốc dù có giỏi đến đâu mà không có nguồn dược liệu đảm bảo thì cũng thất bại. Chính vì thuốc đông y trên thị trường trôi nổi và chất lượng đầu vào khó kiểm soát nên chúng tôi “nhát tay” khi bốc thuốc cho bệnh nhân.

Không kiểm soát nổi

Hầu hết các DN sản xuất thuốc đông dược khi được hỏi về nguồn gốc nguồn dược liệu đều từ chối trả lời, thế nhưng, họ lại luôn khẳng định sản phẩm của mình sản xuất ra đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ Y tế (?!). Tuy vậy, Theo Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ hơn 50.000 tấn dược liệu và hơn 10.000 sản phẩm đông dược lưu hành. Tuy nhiên, đợt kiểm tra mới đây cho thấy, chỉ có 9 mặt hàng có số đăng ký, còn lại là hàng nhập lậu không có số đăng ký.

Cơ quan quản lý cũng thừa nhận chưa quản lý được nguồn gốc nguyên liệu, thành phẩm cũng như quy trình sản xuất của các cơ sở y học cổ truyền. Trên thực tế, các cơ sở sản xuất ra thuốc tự mang đi kiểm nghiệm và công bố chỉ tiêu chất lượng, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm. Nhưng không ít cơ sở chẳng cần kiểm nghiệm.

Có một nghịch lý là, trong khi chúng ta đang phải nhập khẩu 90% nguồn dược liệu từ Trung Quốc, trong đó có đến 60% là nguồn dược liệu kém chất lượng thì thương lái Trung Quốc vào Việt Nam lùng mua dược liệu tươi, quý hiếm. Nhiều DN trồng dược liệu ở tỉnh Hà Giang cho biết, họ chủ yếu bán dược liệu cho các thương lái Trung Quốc, còn bán trong nước không dễ chút nào bởi DN chê đắt.

Câu hỏi đặt ra: Phải chăng, do DN sản xuất dược liệu trong nước hám rẻ mà bỏ qua lợi ích của người tiêu dùng? Theo TS. Trần Thị Hồng Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) thì: “Trong khi nền đông y của Việt Nam phát triển rực rỡ, lại phải đối mặt với tình trạng dược liệu rác, nhập lậu, kém chất lượng. Đông y đối với Việt Nam không chỉ điều trị bệnh, mà còn là một nét văn hóa cần được bảo tồn. Nếu không kiểm soát nổi nguồn nhập lậu thì chắc chắn, người bệnh sẽ quay lưng với các loại thuốc đông y”.

Đến bao giờ Việt Nam mới có nguồn dược liệu sạch tại chỗ để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của người dân – vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Việt Nam luôn được xem là nơi có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú với khoảng 4.000 thực vật được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, trên thực tế, gần 90% dược liệu đang được kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam đều phải nhập khẩu.

Nhận xét sản phẩm: "Dược liệu kém chất lượng: Hiểm họa khôn lường"