Trang chủ » Thông tin » Quản lý chất lượng thuốc » Thông tin » Người bệnh uống phải thuốc kém chất lượng – Ai chịu trách nhiệm?

Người bệnh uống phải thuốc kém chất lượng – Ai chịu trách nhiệm?

1-4 ok_opt_ZFOA

Thời gian qua, hàng loạt Cty dược bị phát hiện, xử phạt vì đưa vào thị trường thuốc kém chất lượng; thuốc sử dụng nguyên liệu bị cấm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Các quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng liên tiếp được ban hành, nhưng người dân không khỏi lo lắng khi tên thuốc vẫn còn trên thị trường. Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm đối với số thuốc kém chất lượng đã được đưa vào người bệnh?

Thuốc ngoại “dính” nhiều sai phạm

Chỉ đến khi cơ quan chức năng lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường kiểm nghiệm mới phát hiện dung dịch thuốc nhỏ mắt Zymar do Cty Allergan, Inc. (USA) đăng ký, nhà sản xuất là Allergan Sales, LLC (USA) và dung dịch nhỏ mắt Efticati do Cty CP Dược phẩm 3-2 (TPHCM) đăng ký, sản xuất có chứa chất Gatifloxacin – thuộc danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người. Ngay lập tức thuốc nhỏ mắt này bị rút số đăng ký và đình chỉ lưu hành tại Việt Nam. Cũng phải đến khi có kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, hai loại thuốc chỉ định điều trị các bệnh lý loét dạ dày, tá tràng, trào ngược thực quản là Pantopep-Dol (Pantoprazol 40mg do Cty Zim Laboratories Ltd., India sản xuất) và thuốc Pantocid (Pantoprazole tablets 40mg do Cty Sun Pharmaceuticals Ind. Ltd., India sản xuất) mới được phát hiện không đạt tiêu chuẩn.

Gần đây nhất, cũng phải nhờ quá trình hậu kiểm, cơ quan chức năng phát hiện, hai Cty dược nước ngoài (Austin Pharma Specialties Company – địa chỉ tại Hong Kong, Trung Quốc và CSPC Innovation Pharmaceutical Company – địa chỉ tại Trung Quốc) mới bại lộ việc kinh doanh nguyên liệu omeprazol, pantoprazol không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là hai nguyên liệu bào chế thuốc chữa các bệnh đường tiêu hóa. Mỗi đơn vị bị xử phạt hành chính 160 triệu đồng. Đồng thời, Cục cũng bắt buộc Cty Austin Pharma nộp lại 30.625 USD, Cty CSPC Innovation Pharmaceutical Company nộp lại 29.750 USD có được do kinh doanh nguyên liệu omeprazol, pantoprazol không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều đáng nói, không mấy ai biết được thông tin thuốc bị đình chỉ, thu hồi. Với hệ thống các cửa hàng thuốc khá dày đặc như hiện nay, thông tin thu hồi lại không được công khai tại nơi khám chữa bệnh cũng như tại các cửa hàng bán thuốc thì người bệnh như rơi vào mê cung, không có khả năng tự vệ trước các loại thuốc kém chất lượng đã bị cấm lưu hành. Đó là chưa nói thuốc kém chất lượng, thuốc có chứa hoạt chất cấm chỉ bị phát hiện khi cơ quan chức năng “hậu kiểm tra”. Không ít người bệnh đã phải mất tiền mua thuốc kém chất lượng. Nhiều loại thuốc, trước khi có lệnh thu hồii đã “tung hoành” trên thị trường và được rất nhiều người bệnh dùng.

Một nhân viên cửa hàng thuốc T.H (đường Thành Thái, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khi có thuốc đình chỉ lưu hành đều nhận được văn bản từ Sở Y tế. Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng nhận được văn bản thì thuốc đã được bán hết hoặc gần hết. Cũng chưa gặp phải tình huống người bệnh tới cửa hàng để trả lại thuốc bị tuyên bố thu hồi.

3-1_opt_eynt

 

Người bệnh tin ai?

Một bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ, với những bệnh thông thường sử dụng thuốc kém chất lượng ảnh hưởng không nhiều nhưng sẽ kéo dài thời gian điều trị. Còn với những người mắc bệnh mãn tính sẽ nguy hiểm, bệnh không khỏi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ đơn cử, người mắc bệnh tiểu đường có chỉ định dùng thuốc để ổn định đường huyết nhưng khi dùng phải thuốc kém chất lượng, bệnh không giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí mất mạng. Thêm nữa, do thói quen mua – bán thuốc không có hóa đơn, thậm chí không cần đơn thuốc của bác sĩ, điều này khiến cho thuốc kém chất lượng có điều kiện “tung hoành”.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định: Hằng năm, hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy 30 – 40 nghìn mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Tỉ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam hiện dao động ở mức khoảng 3% và thuốc giả khoảng 0,1%. Thuốc giả bị phát hiện chủ yếu chuyên dùng điều trị sốt rét, gần đây phát hiện ở cả thuốc bổ, thuốc điều trị tim mạch, giảm đau, điều trị bệnh viêm da, kháng sinh… Từ đầu năm 2015 đến nay, cục cũng đã ra quyết định xử phạt trên 10 doanh nghiệp dược có thuốc kém chất lượng bằng hình thức không cấp giấy phép đăng ký thuốc mới trong vòng một năm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ thuốc giả còn thấp.

TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) – thừa nhận: Vẫn còn tồn tại thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Qua kiểm tra hậu kỳ, cơ quan chức năng vẫn phát hiện. Thời gian qua, cục đã có những biện pháp mạnh xử lý thuốc kém chất lượng như yêu cầu kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu từ các doanh nghiệp nằm trong danh sách đã từng bị phát hiện có thuốc vi phạm chất lượng. Cùng với đó, các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc, kinh doanh thuốc cũng phải chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường, trong đó lưu ý kiểm tra nội dung nhãn thuốc, các chỉ tiêu chất lượng trong phiếu kiểm nghiệm của nhà sản xuất so với mẫu nhãn thuốc và tiêu chuẩn chất lượng đã được duyệt trong hồ sơ đăng ký thuốc. Thời gian qua, liên tục phát hiện thuốc kém chất lượng là do công tác hậu kiểm được thực hiện thường xuyên hơn.

Một điều đáng nói là, khi kiểm nghiệm phát hiện thuốc kém chất lượng, chính doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu là nơi chịu trách nhiệm và sẽ phải đi thu hồi. Tuy nhiên, về quyền lợi của bệnh nhân trong chuyện này, chưa thấy đơn vị nào có ý đền bù cho người bệnh.

Nhận xét sản phẩm: "Người bệnh uống phải thuốc kém chất lượng – Ai chịu trách nhiệm?"