Liên tục trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của ngành y tế đã đưa ra thông báo về việc phát hiện các loại thuốc giả đang lưu hành trên thị trường gồm thuốc giảm đau, kháng sinh. Đáng nói là các đối tượng sản xuất, kinh doanh buôn bán thuốc giả rất liều lĩnh khi đưa ra thị trường các loại thuốc làm giả số đăng ký của cơ quan chức năng, không có thành phần biệt dược như đã công bố, thậm chí là thuốc chưa được phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam…
Thuốc giả dù tinh vi vẫn không lọt
Mới đây nhất, Viện Kiểm nghiệm thuốc TW đã gửi báo cáo đến Cục Quản lý Dược về mẫu thuốc “Đặc trị viêm mũi – viêm xoang”, số lô 090114, hạn dùng 020415, số đăng ký: V842-H14-12, tên cơ sở sản xuất là “Nhà thuốc gia truyền Nhân Hòa – lương y Tăng Phàm Ngọc” địa chỉ 126, ấp An Sơn Trạch, Tịnh Biên – An Giang có dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng. Theo ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Quản lý Dược đã xem xét và đối chiếu hồ sơ đang lưu tại Cục cho thấy, sản phẩm “Đặc trị viêm mũi – viêm xoang” chưa hề được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký lưu hành và sử dụng trong phòng, chữa bệnh cho người. Đặc biệt, số đăng ký: V842-H14-12 là giả mạo và “Nhà thuốc gia truyền Nhân Hòa – lương y Tăng Phàm Ngọc” địa chỉ 126, ấp An Sơn Trạch, Tịnh Biên – An Giang chưa được Cục cấp phép sản xuất thuốc.
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa thu giữ lượng lớn thuốc tân dược giả.
Ngoài thuốc giả trên, cơ quan chức năng đã phát hiện thuốc ciproxacin 500 có thông tin trên nhãn thuốc là: tablets ciproxacin 500 (hoạt chất ciproxacin 500mg); Batch No: BS 65359, MFG: 10/12; EXP: 10/16; Manufactured by Lenno Limited, 7 Fairclough Road, Port Elizabeth 6001 lấy tại quầy thuốc Lê Hoa ở Thanh Hòa là thuốc không có số đăng ký/Giấy phép lưu hành. Đáng quan ngại hơn là kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm thuốc TW cho thấy hoạt chất ciproxacin như trên nhãn thuốc là không tồn tại và kiểm nghiệm không có hoạt chất ciproxacin. Như vậy, thuốc này là thuốc giả.
Cũng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã phát hiện một loại thuốc giả khác là thuốc sepy-O-200 (cefpodoxime proxetil tablets USP 200mg), số lô: E-11102, ngày sản xuất: tháng 8/2012, hạn dùng: tháng 7/2014, số đăng ký: VN-12357-11, nhà sản xuất là Công ty Sakar Healthcare Pvt. Ltd. Ấn Độ, được Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm và thương mại Sohaco nhập khẩu. Thế nhưng, theo báo cáo từ Công ty Sakar Healthcare Pvt. Ltd. Ấn Độ thì công ty này đã không sản xuất thuốc sepy-O-200 với số lô: E-11102. Ngay sau đó, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa vào cuộc kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ lô thuốc sepy-O-200 thì được biết, lô thuốc được chào hàng từ đối tượng không quen biết, không hóa đơn chứng từ.
Trước đó, lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, bắt giữ 1,2 tấn tân dược nhập lậu. Chủ lô hàng là bà Nguyễn Thị Thu Hương (39 tuổi, trú Hà Nội) khai mua hàng để chuẩn bị cho việc mở quầy thuốc tại TP. Thanh Hóa. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cảnh sát đánh giá đây là tân dược kém chất lượng, giả nhãn mác, không có hóa đơn chứng từ và đều do Trung Quốc sản xuất. Trong số này có viagra và một số loại thuốc đặc trị khác. Trong một diễn biến khác, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế – Dương Xuân An cho biết, Thanh tra Bộ vừa gửi công văn đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo về thuốc voltaren 75mg Inj giả hiện đang lưu hành trên thị trường. Loại thuốc giả này có các thông tin viết bằng tiếng Tây Ban Nha với tên thuốc voltarén 75g solución inyectable, số lô 50799, hạn dùng 092015, mã vạch 847000393339, nơi sản xuất Novartis Farmacéutical, S.A. Gran Via de les Corts Catalanes 76408013 Barcelona; trên nhãn không ghi số đăng ký của Cục Quản lý Dược cấp.
Để thuốc giả không tồn tại
Với vai trò là cơ quan đầu ngành về công tác kiểm nghiệm chất lượng thuốc, TS. Đoàn Cao Sơn – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TW cho biết, năm 2013, toàn quốc có 56.179 mẫu thuốc được kiểm tra đánh giá chất lượng (cả thuốc tân dược và đông dược), trong đó phát hiện 1.004 mẫu thuốc (1,79%) không đạt chỉ tiêu chất lượng và 8 (0,014%) mẫu thuốc giả. Theo ông Sơn, tỷ lệ thuốc giả và thuốc kém chất lượng năm 2013 (1,8%) giảm so với năm 2012 (3,09%), tuy nhiên, các mẫu thuốc giả đa phần là thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh thuốc giả đã có nhiều “chiêu” để lách cơ quan quản lý như làm giả số đăng ký, giả tên nhà sản xuất…
Là người có kinh nghiệm và gắn bó lâu năm với chuyên ngành kiểm nghiệm thuốc, PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu – nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TW, Chủ tịch Hội đồng dược điển Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng quản lý thuốc trên thị trường, hệ thống kiểm nghiệm cả nước cần đổi mới phương pháp mua mẫu theo chỉ tiêu số lượng bằng biện pháp mua mẫu sàng lọc có nghi ngờ về chất lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc tại tuyến cơ sở như trạm y tế xã, nơi xa trung tâm, trong đó chú ý đến hạn dùng của thuốc. Đồng thời giám sát tất cả các mẫu thuốc ngay tại đầu nguồn, nhất là các nguyên liệu ban đầu như dược liệu, thuốc Đông dược, dạng bào chế nhiều thành phần, các dược chất và dạng bào chế kém ổn định về chất lượng. Ở góc độ khác, để thuốc giả, thuốc kém chất lượng không còn “đất sống”, bà Nguyễn Thị Trúc Vân – đại diện Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua các thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc bán dạo, chỉ mua thuốc ở các quầy thuốc cố định, có bảng biển rõ ràng… Đặc biệt, người dân khi sử dụng thuốc nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tránh dùng thuốc tràn lan, nhất là các thuốc Đông y, y học cổ truyền không có nguồn gốc rõ ràng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Đỗ Văn Đông cho biết, nhằm hạn chế thuốc giả và thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường, tới đây, Nhà nước sẽ quy hoạch lại hệ thống kiểm nghiệm dược phẩm, xây dựng 5 trung tâm kiểm nghiệm khu vực miền Bắc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu và thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.
Theo các chuyên gia, phần lớn tân dược giả là thuốc kháng sinh và các loại thuốc giảm đau hạ sốt. Việc sử dụng các loại thuốc tân dược giả sẽ đưa đến rất nhiều hệ lụy, trong đó quan trọng nhất là người dùng không hết bệnh bởi thành phần của thuốc giả đa phần là các loại chất vô thưởng vô phạt và không có tác dụng chữa bệnh. Nguy hiểm hơn là việc dùng thuốc tân dược giả rất khó phát hiện vì người dùng chỉ nghi ngờ là mua nhầm thuốc giả khi đã sử dụng thuốc lâu mà dấu hiệu bệnh không hết hay không đỡ.