Trang chủ » Thông tin » Thông tin trong ngành » Quảng cáo mỹ phẩm như… thuốc tiên!

Quảng cáo mỹ phẩm như… thuốc tiên!

 

Mỹ phẩm mà tính năng, công dụng được quảng cáo như thuốc điều trị, chưa kể không thể chứng minh được công dụng thực tế.

Thực trạng quảng cáo mỹ phẩm quá lố bằng nhiều hình thức, chiêu trò gây ngộ nhận cho người dùng đã đến mức báo động. Nhiều đơn vị núp bóng các hội thảo khoa học để giới thiệu quảng bá sản phẩm trong các bệnh viện mà nội dung không như đăng ký. Một dạng khác là quảng cáo trên truyền hình, báo chí với nhiều chức năng quá tầm sản phẩm.

Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện và không duyệt cho tổ chức hội thảo và không cho quảng cáo truyền hình với nhiều sản phẩm mỹ phẩm. Nguyên nhân, quảng cáo mỹ phẩm không đúng với phiếu tiếp nhận, công dụng lại giống như thuốc điều trị.

Chăm sóc da mà còn trị chuột rút!

Một công ty ở quận Phú Nhuận nhập về nhiều sản phẩm làm đẹp thuộc một nhãn hàng của Malaysia và xin tổ chức hội thảo ở bệnh viện phụ sản. Theo phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm gửi Sở Y tế, sản phẩm dầu massage hỗn hợp với tính năng chăm sóc da. Nhưng khi xin hội thảo, công ty này “nổ” lên: Chống căn cơ và trị chuột rút, giảm nhức mỏi cơ thể, giảm đau nhức do viêm khớp. Sử dụng khi bị đau bụng hay đau đầu, giảm sự đầy hơi, máu huyết lưu thông, làm nóng cơ thể. Đó là chưa kể những thành phần trong sản phẩm còn thêm thắt vào khác với phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm.

Hay như một sản phẩm thảo dược vệ sinh phụ nữ với tính năng làm sạch cơ thể. Nhưng khi quảng cáo hội thảo, sản phẩm được “hóa phép” là giúp các vết thương mau lành, sát khuẩn; chống viêm sưng, thúc đẩy quá trình phục hồi âm đạo; giúp các cơ và mô vùng âm đạo co thắt chặt lại.

Những sản phẩm quảng cáo quá hớp được Sở Y tế phát hiện và ngăn chặn, còn những sản phẩm khác thì sao? Ảnh:DT

 

Sản phẩm thứ ba là dầu dừa nguyên chất với tính năng chăm sóc da và tóc. Nhưng khi quảng cáo thì nói nó chữa trị rạn da, tẩy các tế bào chết, chống lão hóa, thậm chí còn làm… giảm nguy cơ bị rách vùng da âm đạo.

 

Theo cán bộ tiếp nhận, đây toàn là những công dụng của thuốc chứ không phải là mỹ phẩm. Do đó, Sở Y tế yêu cầu các công ty này quảng cáo sản phẩm phải đúng với nội dung đăng ký. Nội dung quảng cáo phải phù hợp, không nêu những nội dung có lợi về y học và điều trị. Và những hồ sơ này đều không được duyệt cho quảng cáo truyền hình và tổ chức hội thảo.

Không chứng minh được công dụng

Một công ty khác ở quận 8 đến Sở Y tế xin quảng cáo trên Đài Truyền hình Tây Ninh bộ sản phẩm kem pure fruit. Ngữ cảnh là một nhân vật nam nói: “Mùa hè đã đến, chỉ cần bỏ chút thời gian chúng ta có thể nhanh chóng làm sạch lông, dưỡng da một cách hiệu quả…”. Sau một hồi nói nhăng nói cuội, nhân vật nữ la lớn: “Tay sạch rồi, chân sạch rồi, mặt sạch rồi, lưng sạch rồi, bụng sạch rồi”.

Vị cán bộ duyệt quảng cáo lắc đầu: Sạch là sạch cái gì? Sao chỉ trong mấy giây mà sạch hết tài vậy? Cán bộ quản lý hỏi tài liệu thì công ty nói là không có rồi bỏ luôn.

Một công ty khác xin quảng cáo tinh dầu với tính năng bôi ngoài da. Họ đưa dẫn chứng là trị nám hai năm không khỏi nhưng chỉ bôi lên một lát là: “Ôi đẹp quá!”. Sau đó hướng dẫn bôi tinh dầu là trắng bóc. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ hỏi tài liệu chứng minh đâu thì công ty này cũng nói… không có.

“Họ đưa cho chúng tôi những lời quảng cáo với một đống chức năng nhưng không có gì để chứng minh nên chỉ có… trời mới biết. Chúng tôi không duyệt. Nhưng đây là những công ty nộp hồ sơ, còn những công ty không nộp thì chúng tôi rất khó phát hiện, xử lý” – ThS Đỗ Ngọc Dũng, Phó phòng Quản lý Dược, Sở Y tế TP.HCM, nói.

Duy Tính – Pháp luật

 

Bài thuốc nam lành tính hay khác điều trị bệnh trĩ tại nhà thuốc nam An Dược !

Nhận xét sản phẩm: "Quảng cáo mỹ phẩm như… thuốc tiên!"