Thuốc đông y có “đát”?
Trong thời gian gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến hạn dùng của thuốc, mà người dân thường gọi nôm na là “đát” (date), thuốc “quá đát”, nếu đến hết ngày được ghi trên nhãn, tức là thuốc sẽ không còn hiệu lực, ai cũng nghĩ như thế, nhưng vẫn không ít trường hợp tuy thuốc chưa quá hạn mà hiệu lực không còn! Nhưng hạn dùng chỉ tập trung vào các dạng thành phẩm là chủ yếu, chưa nghe ai nói đến hạn dùng của các loại thuốc phiến, thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên (cây cỏ, động vật…), việc sản xuất ra các dạng thành phẩm đông dược hiện nay chỉ dựa vào các tiêu chuẩn cơ sở, các kết quả nghiên cứu trên dược lý thực nghiệm, dược lý lâm sàng, thử độc tính… rồi được phép lưu hành trên thị trường. Vì vậy có nhiều bệnh nhân đi cắt thuốc đông y hy vọng muốn mau hết bệnh có khi phải… đi cấp cứu!
Cần quản lý chặt chẽ
Sử dụng thuốc ở hình thức nào cũng đều nhằm mục đích khỏi bệnh, cho dù đó là thuốc tân dược hay thuốc đông y. Tuy nhiên, việc bảo quản dược liệu đông y khó hơn nhiều so với bảo quản tân dược. Hiện nay, không ai chú trọng đến hạn dùng của dược liệu, vì vậy để đánh giá dược liệu tốt xấu cũng không có tiêu chuẩn chính xác. Vấn đề hiện nay là các cơ sở sản xuất đông dược có ý thức và các cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể cũng như giải pháp chế tài. Nếu tân dược có thể có hạn dùng từ 1 đến 3 năm thì dược liệu hay đông dược chỉ bảo quản được từ 6 tháng đến 1 năm mà thôi. Hiện nay các nhà thuốc tân dược đang dần dần đi vào hệ thống chất lượng và bảo quản thuốc tốt, vì vậy đối với đông dược hay dược liệu (thuốc đông y) cũng cần nên được quản lý để thuốc đảm bảo là được bảo quản tốt trong điều kiện về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, bao bì, an toàn vệ sinh, nhằm kéo dài tuổi thọ và chất lượng của dược liệu, vì theo định nghĩa “thuốc không thể có loại 2”, chỉ có loại 1 là loại đạt chất lượng và hiệu quả…
Người bệnh tự bảo vệ mình
Để đảm bảo chất lượng của các dược liệu, người tiêu dùng cần chú ý các vấn đề sau đây:
– Dược liệu tốt là thuốc được thu hái đúng thời vụ và sau đó cần có biện pháp diệt men và làm khô dược liệu. Để tránh hư hỏng hoạt chất, nhất là các dược liệu như lá, hoa, hoặc loại có chứa tinh dầu, vì vậy nhà sản xuất cần chú ý phơi trong mát hoặc sấy nhẹ cho khô rồi đóng gói kỹ trong các loại bao bì thích hợp.
– Dược liệu tốt là thuốc khô, theo tiêu chuẩn của dược điển, muốn bảo quản dược liệu cho tốt thì dược liệu đó phải đảm bảo độ thủy phần trong giới hạn cho phép (khoảng 10 – 15%), nhưng các cơ sở kinh doanh thường đưa độ ẩm dược liệu lên cao hơn 15% nhằm mục đích lợi nhuận, và điều này cũng làm ảnh hưởng đến hàm lượng hoạt chất có trong dược liệu. Lượng nước cao và các thành phần chất hữu cơ trong dược liệu chính là nguồn thức ăn chính cho sâu mọt và nấm mốc.
– Dược liệu tốt phải được bán ở các cơ sở đúng tiêu chuẩn quy định: vì điều kiện khí hậu của nước ta không đảm bảo để bảo quản dược liệu cho tốt, nhiệt độ thường xuyên trên 300C và độ ẩm môi trường luôn luôn quá 85%. Bên cạnh đó, ánh sáng cũng là một nguyên nhân gây hư hỏng các hoạt chất. Các địa điểm buôn bán thường không chú ý đến điểm này, dược liệu không che đậy và để ngay trên vỉa hè, lề đường và dưới ánh sáng chói chang của ban ngày.
– Không có nhiễm khuẩn, nấm: các dược liệu để lâu bị ẩm mốc được đem phơi trên lề đường, do đó bị ô nhiễm rất nhiều tạp chất từ bụi, khói và làm cho dược liệu nhiễm bẩn, rất khó rửa sạch khi bào chế vì bào tử nấm mốc vẫn có thể bám vào. Điều đó làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc sau khi bào chế. Các thành phẩm lỏng dễ bị chua, lên men, nấm mốc phát triển và lắng cặn nhiều. Nhất là đối với các mặt hàng không rõ nguồn gốc sản xuất hoặc các cơ sở không đáng tin cậy.
– Không có chất bảo quản như lưu huỳnh, lục hóa khổ, phosphur kẽm, bột chì… để tránh gây độc cho người sử dụng.
Theo khoahocphothong.com.vn