Trang chủ » Thông tin » Quản lý chất lượng thuốc » Thuốc được bán như rau

Thuốc được bán như rau

Xa thành phố, xa các trung tâm y tế lớn, người dân các vùng nông thôn mỗi khi có bệnh thường tìm đến các lang băm hoặc mua thuốc đông y của cánh bán dạo ở các chợ quê. Kết cuộc tiền mất tật mang, thậm chí mất mạng.

Những thang thuốc trị bách bệnh

Khi không thể tiêu thụ được ở những thành phố lớn, những người bán thuốc dạo tràn về các chợ quê, xộc tận từng nhà người dân các vùng nông thôn để chào bán.

Chưa biết chất lượng thuốc ra sao nhưng những lời mời mọc nghe rất hay, cách tiếp thị rất độc đáo, khiến nhiều người lọt tai, dù lòng không tin nhưng cứ mua như bị thôi miên. Hầu hết thuốc mua xong mang về sắc uống nhưng không thấy bệnh thuyên giảm tí nào.

Ông Huỳnh Châu (76 tuổi) ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX. An Nhơn, Bình Định) than thở: “Tuổi già đau nhức chân tay, tui đạp xe lên chợ huyện ở khu vực Hòa Cư, phường Nhơn Hưng (TX. An Nhơn) thấy 3-4 phụ nữ mặc đồ dân tộc  bày bán thuốc giữa chợ, tui ghé lại xem thử.

Họ bắt bệnh tui bằng cách hỏi tui đau ra sao, khi tui nói bệnh của mình họ lập tức bảo tìm đúng thuốc rồi, uống 10 thang ắt khỏi. Thấy thuốc chỉ mấy chục ngàn 1 thang, tui mua thử 5 thang về uống. Uống xong, chân tay đau nhức vẫn hoàn đau nhức”.

Một bữa nọ, tình cờ ngồi gần chú Năm Hay (58 tuổi) ở phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) trong 1 bữa tiệc tân gia, tôi được nghe chú Năm kể: “Hôm nọ có mấy người đàn ông ăn mặc chỉnh tề vô nhà giới thiệu đủ loại thuốc đã được đóng gói, thuốc trị bệnh gì cũng có, tui không mua.

Sau đó, họ quay sang mồi chài tui đi bán thuốc cho họ, hoa hồng họ trả cao lắm. Biết thuốc gì mà bán, lỡ bán người ta uống có chuyện gì, nhà mình ở đây họ tới bắt đền thì chỉ có chết, nên tui không đồng ý”.

"Thầy thuốc đông y" đang bán thuốc dạo giữa chợ quê
“Thầy thuốc đông y” đang bán thuốc dạo giữa chợ quê


Trong thời gian gần đây, nhiều người tự xưng là “thầy thuốc đông y” xuất hiện nhiều ở các chợ quê trên địa bàn Bình Định. Họ đi thành từng nhóm 3-4 người, đàn ông có, đàn bà có.

Đến các chợ, sau khi bày những thang thuốc lên tấm nilon để dưới đất, họ cất lời giới thiệu oang oang: “Thuốc của chúng tôi trị được rất nhiều chứng bệnh như: Hắc lào, lang ben, phong tê thấp, đau răng, nhức mỏi tay chân, gai cột sống…”. Ngoài ra, để thu hút khách, họ kích động tính hiếu kỳ của những người đi chợ bằng cách giới thiệu họ là những người có thể “khiển” được cả dã thú.

Mới đây, tôi gặp hai “thầy thuốc đông y” đang hành nghề tại chợ quê Nhơn Phúc (TX. An Nhơn). Hai vị này để bên cạnh những thang thuốc của mình một con trăn và cho biết con vật này đã được thuần phục, rất biết nghe lời. Ngoài con trăn, họ còn để trước mặt hai túi vải cột chặt và “bật mí” bên trong đang nhốt hai con “thú lạ”, mỗi con có hai đầu, biết nói tiếng người.

Theo hai vị trên, những “thú lạ” này được họ mua ở biên giới Campuchia. Để tạo lòng tin, thỉnh thoảng hai vị “thầy thuốc” kia dùng cây đập vào bao vải, khi họ đập con vật trong bao giãy nảy lên, khách đứng chung quanh nghe có tiếng người phát ra, nhưng nếu ai để ý sẽ nhận ra tiếng nói không phải từ hai bao vải mà từ hai miệng của hai vị “thầy thuốc” kia.

Nhiều người hiếu kỳ đòi xem mặt “thú lạ” thì bị hai vị kia “lơ” ngay bằng cách chuyển qua giới thiệu công năng của từng loại thuốc.

Đầu tiên, họ tặng khách hiếu kỳ những gói thuốc dạng bột bảo là trị đau nhức. Sau đó lấy ra loại thuốc dạng bánh, “thần dược” trị phong tê thấp, thấp khớp và cả bệnh máu trắng. Loại thuốc này có giá gần 200 ngàn đồng một bánh nhưng vì chủ trương “bán thuốc cứu người” nên chỉ lấy 100 ngàn. Một điều dễ nhận thấy là dù cách giới thiệu thuốc nghe rất khó tin nhưng vẫn có người tin mua.

Bán thuốc Tây trong cửa hàng… tạp hóa

Một thực tế khác đang tồn tại ở các làng quê là những quán bán tạp hóa kiêm… bán thuốc Tây. Thuốc Tây để trong cái rổ nhựa, lẫn với những gói mì tôm, nhang muỗi… Khách đến mua, nói bệnh, chủ quán cầm vỉ này lên cắt vài viên, cầm vỉ kia lên cắt vài viên, sau đó chia liều và ra toa bằng “miệng” bảo: “Ngày uống 3 lần”.

Một lần đi công tác về một vùng quê hẻo lánh, tôi hỏi dân địa phương ở đây có chỗ nào bán thuốc Tây không, họ chỉ vào một cái quán tềnh toàng bán đủ thứ đồ lặt vặt. Một thanh niên nói với theo: Quán đó bán thuốc theo kiểu “Đau đầu viên xanh viên đỏ, đau bụng viên đỏ viên xanh”, “Đau lưng viên to viên nhỏ, xây xẩm viên nhỏ viên to”.

Cách nói của anh thanh niên kia như ngầm bảo với tôi rằng: “Thuốc gì ở đó màu mua chữa bệnh, uống có ra sao thì ráng chịu”. Ắt nhiên, chủ quán chắc chắn sẽ không biết tí gì về dược học nên người bệnh uống thuốc mua ở những chỗ như thế này là rất…phiêu lưu.

Chết người vì lang vườn

Tuy nhiên, nguy hiểm hơn vẫn là điều trị bệnh từ những người hành nghề y không phép mà dân nông thôn thường gọi là lang vườn hay lang băm.

Đám tang của 2 trẻ bị chết sau khi truyền dịch

Đám tang của 2 trẻ bị chết sau khi truyền dịch


Còn nhớ khi tận mắt chứng kiến cái chết oan ức của 2 anh em ruột La Văn Nghĩa (15 tuổi) và La Văn Vinh (13 tuổi) ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải (Hoài Nhơn, Bình Định) sau khi truyền dịch tại nhà một lang vườn tại địa phương, tôi đã không cầm được nước mắt.

Nghĩa và Vinh bị sốt nhẹ, ba mẹ sợ 2 cháu bỏ học nên gọi “bà lang” trong thôn đến nhà truyền dịch. Sau khi truyền dịch, thằng em chết trước khi đang đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định, tiếp đến thằng anh chết sau 1 ngày.

Vào giữa tháng 2/2014, chỉ trong vòng 5 ngày mà tại Bình Định xảy ra 2 cái chết do chữa bệnh từ những người hành nghề y tế không phép tại địa phương. Trường hợp thứ nhất là của nạn nhân Hà Văn Khánh (43 tuổi) ở thôn Long Hòa, xã An Hòa (An Lão). Ông Khánh đã tử vong sau khi được tiêm thuốc tại nhà ông Nguyễn Cửu Ba ở thôn Xuân Phong Bắc (An Hòa, An Lão) một ngày trước.

Ông Khánh bị sốt, nhức mỏi đã mấy ngày trước đó. Sáng 10/2, cùng vài người khác, ông Khánh đến nhờ ông Ba chữa bệnh nhưng bị từ chối. Mọi người về hết, riêng ông Khánh ở lại năn nỉ. Nể tình chỗ quen biết, ông Ba đã tiêm thuốc cho ông Khánh. Sau khi tiêm, thấy ông Khánh có biểu hiện bất thường, ông Ba hoảng quá không cấp cứu được, ngay sau đó, ông Khánh được đưa vào Trung tâm Y tế huyện An Lão.

Theo bác sĩ Thái Kim Thoa, Trưởng khoa Nội – Nhi – Lây thuộc Trung tâm Y tế huyện An Lão, người tiếp nhận ông Khánh, bệnh nhân đến bệnh viện trong trạng thái da tái nhợt, môi tím, mạch không có, huyết áp không đo được, cắm dây truyền dịch thì máu không chảy.

“Xác định bệnh nhân đã tử vong, chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện các biện pháp cấp cứu nhưng 15 phút sau vẫn không thấy hiệu quả. Người nhà xin đưa về mai táng”, bác sĩ Thoa nói.

Trước đó 5 ngày, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn). Bị rát cổ do cảm, ông Lê Bằng (67 tuổi), ở thôn Cẩn Hậu đến nhà ông Nguyễn Hồng Tiến, ở thôn Túy Thạnh để tiêm thuốc. Ông Tiến tiêm thuốc cho bệnh nhân. Sau khi tiêm xong khoảng 5 phút thì ông Bằng thấy choáng váng và mệt lả người.

Ông Tiến kiểm tra thì thấy mạch nhanh, nhỏ, khó bắt và huyết áp tụt không đo được. Ông Tiến tiếp tục tiêm thuốc cấp cứu nhưng không thấy bệnh nhân khỏe lại nên mới gọi xe đưa đến Trạm Y tế xã Hoài Sơn. Khi đến Trạm Y tế xã thì ông Bằng đã tử vong.

“Thực trạng có nhiều người bán thuốc ngoài chợ như bán rau bán cá là tối nguy hiểm, bởi người dùng thuốc không biết người bán thuốc có trình độ y dược như thế nào, thuốc cũng không có nguồn gốc rõ ràng. Ngành y tế cần có biện pháp kiểm soát tình trạng này”, Thầy thuốc Nhân dân Trang Xuân Chi cho biết.

Nhận xét sản phẩm: "Thuốc được bán như rau"