Các cơ quan chức năng TP Hà Nội đang nỗ lực truy quét những loại thực phẩm chức năng giả có chứa hoạt chất Sibutramine độc hại. Nhưng thứ thực phẩm này vẫn được mua bán tràn lan khi thành phố có tới gần 10 nghìn nhà thuốc đang hoạt động.
Mặc dù Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có quyết định Số: 120/QĐ-QLD rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam nhưng mới đây các cơ quan liên ngành Công an, Quan lý thị trường, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ y tế đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội và phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Lishou. Qua giám định, các sản phẩm này đều có hoạt chất Sibutramine đặc biệt nguy hiểm.
Lực lượng chức năng Hà Nội cho biết, dù đã rất nỗ lực kiểm soát, nhưng sản phẩm nguy hại này vẫn xuất hiện tràn lan, bởi thành phố có tới gần 10.000 nhà thuốc đang hoạt động và mua thứ thực phẩm này rất dễ dàng, kể cả ở trên mạng.
Theo thông tin từ Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, rất nhiều người đã phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe và tính mạng bị đe dọa do sử dụng thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Lishou có hoạt chất Sibutramine. Đây là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp. Các sản phẩm này là thủ phạm gây nhiều chứng rối loạn nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
Tại thị xã Sơn Tây, lực lượng Công an cũng liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh loại thực phẩm chức năng này. Giám định từ Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy hàm lượng Sibutramine từ 8-10mg/viên. Thừa nhận vi phạm này là rất nguy hiểm đối với người sử dụng, nhưng Công an Sơn Tây lại hoàn toàn lúng túng với chế tài xử lý.
Thượng tá Kiều Quang Phương, Phó trưởng Công an thị xã Sơn Tây, Hà Nội nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu chế tài để xử lý đối với vi phạm này. Và để xử lý thì chắc chắn phải có sự phối hợp rất chặt chẽ của các ban, ngành, của Sở Y tế, các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn thì chúng tôi mới xử lý được. Chứ còn riêng cơ quan Công an chúng tôi thì quả là khó khăn”.
“Cái khó trong xử lý loại hàng này là tính chất kinh doanh trái phép một cách nhỏ lẻ, dàn trải trên các địa bàn. Khi bắt giữ trên hệ thống phân phối thì số lượng ít, hàm lượng hoạt chất có trong từng lô hàng lại khác nhau. Bản thân cơ quan chức năng chúng tôi phải bám sát cái căn cứ pháp lý cũng như xuất phát điểm sai phạm để có được thông tin cụ thể mà xử lý”, Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết:
TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATVS thực phẩm, Bộ Y tế phân tích: “Đặc biệt đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, loại sản phẩm này làm tăng nhịp tim, gây rối loạn nhịp tim. Và như vậy, nó làm cho những người mắc bệnh về tim mạch sẽ bị nặng thêm. Nếu sử dụng liều cao, nó thậm chí còn có thể gây rối loạn nặng hơn ở hệ thống tim mạch”.
Cơ quan chức năng cảnh báo rằng, thực phẩm chức năng Lishou loại 40 viên trên thị trường hiện nay là hàng giả, có hoạt chất độc hại và đã có nhiều người sử dụng phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. Từ hơn nửa năm nay, nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam – Công ty CP thiết bị y tế Phú Hải chỉ cung cấp sản phẩm New Lishou loại 120 viên.
Thực phẩm chức năng có hoạt chất sibutramine thuộc danh mục cấm kinh doanh và sử dụng, tức là sản phẩm này cũng thuộc diện cấm nhập khẩu. Trong khi chúng tiếp tục xuất hiện tràn lan trên thị trường, đe dọa sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì vấn đề đặt ra là chúng có nguồn gốc từ đâu – nhập lậu từ nước ngoài hay làm giả trong nước? Các cơ quan chức năng cần manh tay hơn nữa để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng đang bị đe dọa bởi các thực phẩm chức năng giả.
Thế Cường