Trang chủ » Thông tin » Thông tin trong ngành » Loạn … “thần dược”!

Loạn … “thần dược”!

“Cây bá bệnh” lên hương

Không chỉ xáo tam phân một thời rộ lên ở Khánh Hòa, nhiều loại “thần dược” khác như cây kim cương, rễ mật nhân, cà gai dây leo, chạc quẹt… cũng được nhiều người ráo riết săn tìm. Ở một số vùng quê Tây Nguyên, mật nhân được xem là “cây bá bệnh” và nhiều người đã đổ xô vào rừng núi lùng kiếm.

Chúng tôi theo chân gần 10 người vào khu rừng ở xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông tìm cây mật nhân. Anh Nguyễn Đức Tuyên, một người đi đào mật nhân, cho biết từ giữa năm 2012 đến nay, người dân địa phương truyền tai nhau rằng cây này có thể chữa được bách bệnh rồi rủ nhau vào rừng tìm.

“Nghe đâu nó chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo nên tôi cũng đi tìm về ngâm rượu để dùng. Mấy tháng trước, nhiều người ở ngoài Bắc và TPHCM đến đây tìm mua cây mật nhân nên người trong xã chia thành từng nhóm vào những cánh rừng giáp ranh tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng đào về bán”, Tuyên cho biết. Theo anh, mỗi ngày, một người đào được khoảng 10-20 kg rễ mật nhân tươi.

Tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum, rất nhiều thương lái từ phía Bắc vào hỏi mua cây mật nhân. Có cầu ắt có cung, nhiều người dân đã bỏ bê công việc vào rừng tìm loại cây này về bán. Giá một ký mật nhân tươi ngày thường chỉ 50.000-80.000 đồng nhưng có lúc vọt lên đến vài trăm ngàn đồng.

Ở các cánh rừng miền Trung, người ta cũng ồ ạt săn tìm “cây bá bệnh”. Núi Hồng nằm giữa thị xã Hồng Lĩnh và hai huyện Nghi Xuân, Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bị băm nát bởi hàng trăm người kéo đến đào tìm cây mật nhân. Người ta đi từng đoàn, mang theo dao, cuốc, thuổng và các dụng cụ đào bới khác. Giá thu mua rễ mật nhân có lúc tăng lên trên 300.000 đồng/kg.

“Trước đây, không cần phải vào sâu trong rừng, mỗi ngày chúng tôi cũng kiếm được 5-7kg nhưng từ khi mật nhân được thu mua giá cao, quá nhiều người săn lùng nên chúng ngày càng hiếm, phải luồn sâu trong rừng núi may ra mới có”, anh Vũ, một người chuyên tìm mật nhân ở thị xã Hồng Lĩnh, tiếc rẻ.

Sốt cây kim cương

Dù Tổng cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên tăng cường kiểm tra, giám sát và ngăn chặn người dân khai thác cây kim cương nhưng việc thương lái tới tận nhà thu mua với giá cao nên người dân các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và K’Bang (tỉnh Gia Lai) vẫn kéo vào rừng tìm kiếm.

Tờ mờ sáng, khi sương núi còn bao trùm, một số người dân xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông đã lên đường vào núi Ngọc Linh để tìm cây kim cương. Sau hơn 3 giờ vượt rừng, lội suối, đoàn người đã đến được lưng chừng núi Ngọc Linh, nơi còn sót lại rất ít cây kim cương. Uống vội ngụm nước, nhóm người chia nhau ra từng tốp nhỏ, lùng sục khắp các cánh rừng.

Núi Ngọc Linh ẩm ướt, muỗi vắt nhiều vô kể, vậy nhưng anh A Phong, một người trong nhóm tìm cây kim cương, không bận tâm. Tay cầm dao phát cây, mắt Phong luôn dán vào những thảm lá mục sục tìm. Sau gần một ngày lục lọi khắp các khu rừng, Phong tìm được gần 40 cây kim cương. Anh cho biết trước đây, cây kim cương mọc rất nhiều tại khu rừng này nhưng chẳng ai mua. Khi giá cây kim cương tươi tăng từ 500.000 đồng lên đến cả 1 triệu đồng/kg, nhiều người đã bỏ bê công việc lên rừng tìm về bán dù chẳng biết công dụng là gì.

Cơn sốt cây kim cương cũng đã len lỏi tới các xã vùng sâu của huyện Kon Plông và xã Kông Lơng Khơng, huyện K’Bang. Dù được chính quyền địa phương nhắc nhở nhưng sức hấp dẫn của tiền “tươi” đã khiến người dân bỏ hết công việc để vào rừng tìm cây kim cương. Bà Trần Thị Thúc, ở xã Kông Lơng, so sánh: “Làm nông đến vụ thu hoạch mới có đồng ra đồng vào, còn vào rừng tìm cây kim cương về bán là có tiền ngay, ai mà không thích?”.

Theo chị Diễm, người chuyên thu mua “thần dược” ở huyện Kon Plong, giá cây kim cương mọc trên đất khoảng 1-1,2 triệu đồng/kg, còn loại mọc trên đá chỉ 300.000 đồng. “Lúc cao điểm, trung bình mỗi ngày, tôi thu mua cả vài chục ký. Mình gom bao nhiêu cũng được các thương lái Trung Quốc thu mua hết”, chị Diễm khoe.

Theo Người lao động

Nhận xét sản phẩm: "Loạn … “thần dược”!"