Trang chủ » Thông tin » Thông tin trong ngành » Thực phẩm chức năng hỗ trợ sinh lý: “Mượn” danh bác sĩ để quảng cáo

Thực phẩm chức năng hỗ trợ sinh lý: “Mượn” danh bác sĩ để quảng cáo

Chưa kể giá bán của nhiều loại thực phẩm chức năng cao hơn nhiều lần các thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc đặc trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp… Giá một viên thực phẩm chức năng hỗ trợ sinh lý cho nữ thấp cũng hơn 2.700 đồng, cao lên tới 9.000 đồng. Với thực phẩm chức năng hỗ trợ sinh lý cho nam, thấp 1.500 đồng/viên, cao lên tới 92.500 đồng/viên.


“Đánh thức tuổi xuân”, “phong độ đỉnh”…

Đánh trúng tâm lý của nhiều phụ nữ ở tuổi mãn kinh, tiền mãn kinh, không ít công ty đã quảng cáo thực phẩm chức năng giúp đem lại tuổi xuân cho chị em, gia tăng sự hưng phấn nhằm cải thiện cuộc sống sinh lý. Những câu từ như “đánh thức tuổi xuân”, “sống lại nét đẹp tuổi xuân”,… được sử dụng ở nhiều sản phẩm. Đơn cử như thực phẩm chức năng S (bán lẻ 5.500 đồng/viên), được in chữ to trên bao bì sản phẩm là “hỗ trợ tăng tiết dịch nhờn”. Trung bình mỗi ngày người dùng cần uống hai viên để “hỗ trợ điều trị và phòng ngừa khô âm đạo”.

Trong khi đó, thực phẩm chức năng N (hơn 8.280 đồng/viên) cũng giới thiệu có “công dụng giúp kích thích cơ thể sản sinh nội tiết tố nữ estrogen một cách tự nhiên, tăng nhạy cảm, cảm hứng sinh lý”.

Tờ hướng dẫn sử dụng còn có đoạn giới thiệu: “Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Giang, phụ nữ suy giảm nội tiết tố nữ estrogen, tiền mãn kinh thường bị suy giảm tuần hoàn, nên dùng kèm thuốc hoạt huyết (ví dụ Hoạt huyết nhất nhất)…”.

Đặc biệt, tờ hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng X (3.833 đồng/viên) còn ghi đặc điểm của sản phẩm này là “được nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Phụ sản trung ương từ tháng 4 đến tháng 10/2010 do tiến sĩ Cung Thu Thủy, Trưởng khoa khám bệnh, làm chủ nhiệm đề tài”.

Còn với nam giới, “tăng cường sức mạnh đàn ông”, “thời gian thể hiện đẳng cấp”, “phong độ đỉnh”… lại là những khẩu hiệu thương mại được in trên nhiều loại thực phẩm chức năng dành cho đàn ông để thu hút giới mày râu quan tâm. Đối tượng sử dụng được hướng dẫn chung là nam giới bị các triệu chứng yếu sinh lý, rối loạn cương dương, liệt dương, xuất tinh sớm, vô sinh nam do tinh trùng ít và yếu, mãn dục nam… Có loại thực phẩm chức năng như M (8.333 đồng/viên) còn được giới thiệu “là một loại Viagra từ thiên nhiên, có tác dụng kích thích cơ thể tăng tiết hormone giới tính nam một cách tự nhiên”. Thậm chí, loại thực phẩm chức năng có tên R (37.500 đồng/viên) được giới thiệu là có “tác dụng nhanh và kéo dài thời gian sinh hoạt tình dục”…

Một loại thực phẩm chức năng nhập khẩu từ Úc có tên P (9.500 đồng/viên) còn được giới thiệu trong tờ hướng dẫn sử dụng là “…những ngày đầu có thể dùng tối đa 4 viên/ngày để nhanh chóng đạt được hiệu quả cao nhất, hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ”, dù đây là sản phẩm bác sĩ không được phép kê toa!

Để tránh ngộ nhận

Một bác sĩ chuyên khoa nam học Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) khẳng định thực phẩm chức năng không phải thuốc chữa bệnh. Ở nước ta hiện nay thực phẩm chức năng được quảng cáo quá mức làm nhiều người tưởng lầm nó có tác dụng chữa bệnh giống như thuốc.

Theo bác sĩ này, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần đưa thực phẩm chức năng trở lại đúng vị trí của nó như các nước Âu – Mỹ: bán ở siêu thị là chủ yếu với giá rẻ hơn so với thuốc trị bệnh. Cần loại nó ra khỏi các hoạt động làm người tiêu dùng nhầm nó với thuốc như giới thiệu thực phẩm chức năng ở các hội nghị y học chuyên ngành, bệnh viện thực hiện “nghiên cứu lâm sàng” sản phẩm thực phẩm chức năng, “báo cáo khoa học” về hiệu quả của thực phẩm chức năng, dùng hình ảnh, tên tuổi bác sĩ nổi tiếng để quảng cáo, tiếp thị… thực phẩm chức năng.

Cơ quan chức năng nên quy định các thực phẩm chức năng bán ở VN bắt buộc in trên lọ (hay chiếu vào cuối đoạn phim quảng cáo thực phẩm chức năng trên tivi) một câu như: “Sản phẩm này chưa được Cục Quản lý dược đánh giá. Sản phẩm này không được sản xuất nhằm chẩn đoán, điều trị hay để phòng ngừa bất cứ bệnh gì”.

Trong khi đó, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TPHCM – cho biết thực phẩm chức năng là một dạng thực phẩm có một hay nhiều thành phần được thêm vào trong thực phẩm hay một sản phẩm thực phẩm nhằm gia tăng chức năng của thực phẩm, thường liên quan đến hỗ trợ sức khỏe hay giúp phòng bệnh. Mức độ hiệu quả thế nào còn tùy thuộc từng loại thực phẩm chức năng.

Không sử dụng tên tuổi thầy thuốc trong quảng cáo

Theo ông Nguyễn Văn Dũng (trưởng phòng cấp đăng ký và chứng nhận, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm), trước đây đã có vụ việc một loại thực phẩm chức năng của Malaysia hỗ trợ sinh lý nam giới bị thu hồi do thành phần có cả tân dược (hoạt chất tương tự hoạt chất trong thuốc Viagra), nên hiện các thực phẩm chức năng hỗ trợ sinh lý nam giới đều phải kiểm tra định tính, xác định không chứa tân dược điều trị rối loạn cương mới được cho phép lưu hành. Tuy nhiên ông Dũng cũng cho hay kiểm tra ban đầu thì tốt, nhưng hậu kiểm thì chưa làm được.

Trả lời về lo ngại thực phẩm chức năng hỗ trợ “hồi xuân, tăng cường sinh lý nữ, giúp nở ngực, săn da…” đang được quảng cáo rùm beng khắp nơi liệu có bổ sung hormone nữ, nguy hại cho người dùng nếu sử dụng tùy tiện, ông Dũng cho rằng “về nguyên tắc, các sản phẩm này đều là sản phẩm chiết xuất từ thực vật, không bổ sung hoóc-môn”. Thực tế đã có hiện tượng tác dụng sản phẩm quá mức so với mong muốn khiến người sử dụng nghi ngờ sản phẩm có bổ sung tân dược.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quy định hiện hành cấm thầy thuốc và cơ sở y tế sử dụng hình ảnh, uy tín của mình để quảng cáo. Trường hợp quảng cáo bằng hình thức bài viết để nói về một bệnh, một xu hướng nhằm giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe có ký tên thầy thuốc có thể được chấp nhận, nhưng nghiêm cấm sử dụng tên, hình ảnh thầy thuốc để tư vấn về bất kỳ sản phẩm cụ thể nào trong bài viết.

Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho rằng trường hợp thầy thuốc làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu lâm sàng cho một thực phẩm chức năng cụ thể, nhà sản xuất không được sử dụng hình ảnh, tên tuổi, chức danh, đơn vị bác sĩ công tác và trích dẫn nghiên cứu vào quảng cáo, kể cả quảng cáo trên tờ rơi, tờ gấp và tờ hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Trong tờ rơi, tờ gấp, tờ hướng dẫn sử dụng, nếu muốn đưa “yếu tố y khoa” vào, chỉ có thể sử dụng cụm từ “đã được nghiên cứu bởi các nhà khoa học”, không thể trích dẫn kiểu “được nghiên cứu bởi tiến sĩ, bác sĩ, tại bệnh viện…” vì sẽ gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Lê Thanh Hà – Lan Anh (Tuổi trẻ)

 

 

 

Bài thuốc nam lành tính hay khác điều trị bệnh trĩ tại nhà thuốc nam An Dược !

Nhận xét sản phẩm: "Thực phẩm chức năng hỗ trợ sinh lý: “Mượn” danh bác sĩ để quảng cáo"