Trang chủ » Thông tin » Thông tin trong ngành » 9 vấn đề y tế đáng chú ý nhất năm 2011

9 vấn đề y tế đáng chú ý nhất năm 2011

– Chưa năm nào các vấn đề của ngành y tế lại thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội với nhiều cung bậc cảm xúc như năm 2011 này. Hãy cùng Dân trí điểm lại những sự kiện y tế đáng chú ý nhất trong suốt 1 năm qua:

Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng, sánh ngang thế giới

9 vấn đề y tế đáng chú ý nhất năm 2011

Nguyên Tổng Bí Ban chấp hành TW Đảng CSVN Lê Khả Phiêu và ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng An Bình trao giải thưởng cho nhóm nghiên cứu của BV Hữu nghị Việt – Đức. (Ảnh: Hữu Nghị)

Năm 2011 ghi nhận những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi của ngành y Việt Nam với các bước đột phá đáng chú ý như thực hiện ghép tạng trên người hiến tặng chết não, kỹ thuật cấy ghép van tim tự thân với ưu điểm vượt trội là không phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời hay cấy tế bào gốc điều trị bệnh nan y ly bóng thượng bì bẩm sinh…

 

Và với thành quả là gần 20 trường hợp được hồi sinh từ nguồn tạng hiến của 6 người chết não, công trình nghiên cứu về ghép tạng từ người chết não của tập thể các bác sĩ đến từ bệnh viện Việt Đức và bệnh viện TƯ Huế với đã vinh dự được nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt 2011, khẳng định các bác sĩ Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật đỉnh cao này.

 

Bùng nhùng dịch tay chân miệng

9 vấn đề y tế đáng chú ý nhất năm 2011
Tình trạng quá tải bệnh nhi tay chân miệng không hiếm gặp ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam

Tay bệnh chân miệng không xa lạ với nhiều người dân Việt nam nhưng những biến động cả về mặt chủ quan và khách quan của dịch trong năm 2011 này đã khiến lòng người không yên.

 

Chỉ trong 5 tháng cuối năm, số lượng ca mắc đã tăng gấp 3 (với hơn 100.000 trường hợp) và số tử vong tăng gấp đôi (lên 164 trẻ) so với 7 tháng đầu năm khiến hàng loạt trường mầm non từ Bắc vào Nam phải đóng cửa vì dịch bệnh, hầu hết các khoa Nhi, bệnh viện Nhi ở 3 miền Bắc, Trung Nam đều rơi vào quá tải ở 1 thời điểm nào đó… Lý giải cho tình trạng này, các chuyên gia y tế, bác sĩ đều cho rằng do chủng vi-rút độc lực cao, diễn tiến bệnh nhanh và đặc biệt là lỗi chẩn đoán và điều trị từ tuyến cơ sở đến trung ương…

 

Dù Bộ Y tế kiên quyết không công bố dịch nhưng ngay sau khi Bộ trưởng Bộ y tế bật “đèn xanh”: “Quyền công bố dịch thuộc về các địa phương…”, Ninh Thuận đã dũng cảm thừa nhận không kiểm soát được dịch dù tỉ lệ mắc và tử vong ở tỉnh này thấp hơn nhiều so với các tỉnh khác.

 

Và trong khi Ninh Thuận khẳng định đã “hết dịch” sau gần 1,5 tháng tập trung dập dịch, tình hình mắc mới và tử vong trên toàn quốc đã giảm thì ở nhiều tỉnh thành khác như Lào Cai, hiện tay chân miệng hiện vẫn tiếp tục hoành hành, diễn biến phức tạp và vẫn chưa thể biết hồi kết cho căn bệnh dễ lây này là bao giờ.

Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới

Chuyện vi khuẩn kháng thuốc ngỡ xa xôi bởi xuất hiện tại một đất nước cách Việt Nam tới nửa vòng trái đất (Anh) nhưng ngay sau đó, những tiết lộ của các chuyên gia trong nước cho thấy, đã có những nghiên cứu tại bệnh viện từ các năm trước chỉ rõ vi khuẩn kháng thuốc chiếm tỷ lệ khá cao. Bệnh viện nhiệt đới Trung ương thi thoảng vẫn tiếp nhận những ca nhiễm loại vi khuẩn này. Và không chỉ 1 mà tới 4 chủng vi khuẩn thường gặp kháng kháng sinh và số người nhiễm tăng mạnh qua các năm.

Thói quen tự kê đơn mua thuốc của người bệnh, trình độ thầy thuốc cùng với việc kê đơn ngẫu hứng và “lòng tham” của người bán thuốc đã đẩy Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Chất độc gây ung thư DEHP tấn công các nhãn hàng uy tín

“Niềm tin” của người tiêu dùng đến bao giờ mới có thể khôi phục khi ngay cả các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, được tin dùng như các loại thạch, nước hoa quả đóng chai có thương hiệu mạnh bỗng chốc “biến thành” thực phẩm gây ung thư bởi sử dụng chất tạo đục công nghiệp, gây ung thư DEHP nhập ngoại; hay những gói cốm dẻo xanh mướt mắt đề xuất xứ Làng Vòng nổi tiếng lại chứa hóa chất tạo màu độc hại…
Và mặc dù luật ATVSTP đã có hiệu lực từ 1/7 nhưng vấn đề An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tiếp tục gây nhức nhối dư luận khi trong các đợt thanh kiểm tra của Bộ ngành, đã liên tục phát hiện nhiều mẫu thực phẩm như bánh phở, bún, bánh giò, ớt bột chứa chất nhuộm màu ung thư Rhodamine B, hàn the, formol … hay thu giữ hàng tấn nội tạng không rõ xuất xứ, thịt bốc mùi… mà điểm đến là các nhà hàng, quán nhậu để “ảo thuật” thành vô số những loại thực phẩm thơm ngon, hấp dẫn…

Dược phẩm tăng giá mạnh

Việc giá thuốc đủng đỉnh tăng hết đợt này đến đợt khác với muôn vàn lý do như giá điện, xăng dầu, đô la, nguyên phụ liệu sản xuất tăng… không lạ. Tuy nhiên, một số nhóm tăng đến 35% trong 1 lần thì lại đặt ra một dấu hỏi về tính hiệu quả của các giải pháp bình ổn thị trường, cam kết không để xảy ra hiện tượng thiếu thuốc, thuốc tăng giá đồng loại, tăng bất hợp lý… của các cơ quan chức năng.

Và mặc dù có những biện pháp mạnh như phúc kiểm việc kê khai giá thuốc tại một số chi nhánh và công ty dược, buộc tới hơn 90% mặt hàng “khai lại” giảm từ 13-65% so với mức cũ nhưng mức giá mới này vẫn tăng 5 – 30% so với giá cũ, chủ yếu vẫn là các thuốc thiết yếu như kháng sinh, giảm đau, tim mạch, tuần hoàn não, tiểu đường, huyết áp, dạ dày, vitamin C, thuốc ho bổ phế, long đờm, kháng viêm, thuốc nhỏ mũi và nhiều loại men tiêu hóa… Như vậy, dù đã sử dụng chế tài mạnh là xử phạt nhưng xem ra các giải pháp quản lý giá thuốc hiện hành đã bất lực khi “bệnh cũ tái phát”, đẩy gánh nặng sang bệnh nhân.

 

5 bệnh viện lớn nói không với “phong bì”


Lương thấp trong khi bệnh viện luôn quá tải đã khiến nảy sinh nhiều tiêu cực, làm mất đi hình ảnh đẹp của lương y

Không hô hào chung chung như nhiều năm trước, Công đoàn ngành y tế đã “dũng cảm” phát động và triển khai cuộc vận động thực hiện quy tắc ứng xử nhằm nâng cao y đức của nhân viên y tế, trong đó nhấn mạnh nội dung bác sĩ nói không với phong bì và thực hiện thí điểm tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội là Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản TƯ, bệnh viện K và E.
Lãnh đạo các bệnh viện đều khẳng định không có chuyện nhân viên y tế tự vòi vĩnh để lấy phong bì vì nếu phát hiện sẽ bị đuổi việc nhưng cũng thừa nhận phong bì mà người bệnh cảm ơn sau khi kết thúc điều trị tại bệnh viện thì lại khó cấm… Vậy nên, giải pháp xử lý triệt để tình trạng này là cần có một cuộc cải cách tiền lương, đảm bảo một thu nhập tốt cho nhân viên y tế.

Lình xình bê bối của những người đứng đầu ngành dược


Thứ trưởng Cao Minh Quang – Tâm điểm của dư luận trong 3 tháng trở lại đây

Tố cáo của các doanh nghiệp dược đối với lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý dược chủ yếu xoay quanh việc quản lý, phát ngôn về tiền chất Pseudoephedrine (PSE), một tiền chất có thể dùng sản xuất ma túy; độ tuổi sử dụng vắc-xin Cervarix ngừa vi-rút HPV gây ung thư cổ tử cung đã bị mở rộng “vô tận” với chi phí tiền tỉ…

 

Cũng từ đây, câu chuyện Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị tố cáo giả mạo học vị tiến sĩ được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền; hay chuyện Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường đã ưu ái/ “chèn ép” một số công ty về hạn ngạch nhập khẩu thuốc, cấp phép nhập khẩu thuốc khiến cho việc sản xuất thuốc chứa tiền chất ma túy này tăng đột biến… được đưa ra trước dư luận.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu làm rõ vụ tố cáo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và các vụ việc còn lại sẽ do Thanh tra Bộ và Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng công bố kết quả.

“Nhờn thuốc” như phòng khám có yếu tố nước ngoài


Các phòng khám có yếu tố ngoại đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng?
Chỉ sau hơn 1 tháng thanh kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và TPHCM đã phát hiện vô số lỗi của các phòng khám này: từ sử dụng bác sĩ, kỹ thuật chưa được cơ quan nhà nước cấp phép, nội dung quảng cáo không đúng hoặc vượt quá nội dung được cấp phép, cá biệt sử dụng bác sĩ nước ngoài nhưng kê đơn thuốc không có tiếng Việt, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng; tự sản xuất thuốc sử dụng cho bệnh nhân mà không công bố với cơ quan có thẩm quyền và giá cả thì trên trời khiến nhiều người bệnh “tiền mất tật mang”…

 

Vấn đề là việc xử phạt này không chỉ diễn ra 1 lần nhưng rõ ràng các vi phạm vẫn không có gì mới. Nhiều ý kiến cho rằng việc các phòng khám này “nhờn thuốc”, vẫn nhởn nhơ tồn tại dù thanh kiểm tra và xử phạt nhiều được là bởi “phạt để tồn tại” với mức phạt quá nhẹ so với lợi nhuận họ thu được.
Xôn xao vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ngay tại bệnh viện sản

Các bác sĩ thở phào khi em bé được tìm thấy

Ngay sau khi thông tin một em bé 2 ngày tuổi biến mất khỏi bệnh viện cùng 1 phụ nữ mặc áo blu trắng, đeo thẻ mà toàn bệnh viện, từ người nhà sản phụ đến các y bác sĩ khoa Sản 2, bệnh viện Phụ sản TƯ từ không mảy may nghi ngờ. Và cũng thật may mắn, cháu bé đã được trả về bệnh viện trong niềm vui mừng và xúc động của gia đình sản phụ và tập thể các y bác sĩ tại bệnh viện Phụ sản TƯ sau 5 ngày truy tìm tích cực của các chiến sĩ phòng Cảnh sát hình sự – Công an Thành phố Hà Nội.

 

Và vụ việc chưa từng có tiền lệ này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, giúp các bệnh viện sản kiện toàn công tác quản lý bệnh viện để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sản phụ và trẻ sơ sinh chào đời tại bệnh viện đồng thời cũng là bài học nhắc nhở những người sắp làm mẹ cần luôn đề cao cảnh giác ngay cả ở những môi trường tưởng như là an toàn nhất.

 

Dantri.com.vn

Bài thuốc nam lành tính hay khác điều trị bệnh trĩ tại nhà thuốc nam An Dược !

Nhận xét sản phẩm: "9 vấn đề y tế đáng chú ý nhất năm 2011"