Hàng loạt sản phẩm “giả” của Trung Quốc bị cơ quan chức năng phát hiện
Những thực phẩm “giả” đưa lại lợi nhuận cao cho các tay buôn và gây ra tác hại khôn lường đối với người sử dụng.
Trong năm 2004, đã có khoảng trên 70 trẻ em ở Trung Quốc, hầu hết là các vùng nông thôn tử vong do uống phải sữa trẻ em giả. Trong khi đó, cũng trong năm đó, 4 người đàn ông đã chết và 8 người khác phải nhập viện khẩn cấp do uống phải rượu giả.
Hồi đầu năm 2011, cư dân Trung Quốc không khỏi bàng hoàng trước hàng loạt thông tin xuất hiện gạo “giả” làm từ khoai tây, khoai lang, thậm chí là nhựa. Quan chức của Hiệp hội Nhà hàng Trung Quốc đưa ra cảnh báo rằng, ăn ba bát gạo “giả” tương đương với nhét một túi ni lông vào dạ dày.
Năm 2012, Trung Quốc lại lên tiếng báo động trước vụ việc phát hiện tai lợn giả được làm từ hóa chất có thể gây ra các bệnh tim mạch.
Đến thực phẩm “trộn” chất gây ung thư
Cơ quan chức năng trong nhiều năm qua liên tục phát hiện ra nhiều thực phẩm chứa chất “lạ” có khả năng gây ung thư. Đầu năm 2007, Trung Quốc trở nên xôn xao trước việc Tuần báo Tin tức Quảng Châu báo buộc một số nhà hàng tại tỉnh Thiểm Tây đã sử dụng dầu ăn chứa hóa chất gây bênh ung thư để chế biển đồ ăn.
Vụ bê bối sữa bột trẻ em chứa chất Melamine năm 2008 khiến thị trường sữa bột
Trung Quốc điêu đứng .
Tiếp đó, hàng loạt sản phẩm cũng bị phanh phui có chứa hóa chất gây bệnh ung thư như hạt trân châu (làm từ bột sắn và nhựa), bánh bao tái chế bằng hóa chất, giá đỗ nhiễm độc..
Tuy nhiên, vụ sữa bột trẻ em nhiễm Melamine khiến 6 em tử vong và 51.900 em phải nhập viện hồi năm 2008 đã khiến cho nghành thực phẩm Trung Quốc nói chung và các nhà cung cấp sữa nói riêng điêu đứng.
Năm 2012, cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng phát hiện ra hàng loạt cơ sở sản xuất trái cây sấy khô, xí muội có sử dụng các chất phụ gia, hóa chất có khả năng gây ung thư. Theo điều tra, các chất phụ gia này cao gấp ba lần so với quy định của cơ quan chức năng.
Không dừng lại ở đó, từ đầu năm 2013 tới này, các quan chức Trung Quốc lại tiếp tục phát hiện được thêm nhiều vụ thực phẩm nhiềm độc khác.
Tháng 2/2013, cơ quan chức năng Trung Quốc đã kiểm tra và xác nhận có 7 loại hạt hướng dương đã rang chín, bán trên thị trường có chứa chất độc gây teo não và ung thư.
Hồi tháng 5/2013, các nhà chức trách tỉnh Quảng Đông đã phát hiện được 8 lô gạo và bún chứa độc tố gây ung thư và dị dạng thai nhi. Một thời gian sau, Trung Quốc đã bắt giữ 8 nghi phạm đã sản xuất và bán 560 tấn giá đỗ nhiễm độc, cụ thể là bột tẩy trắng.
Đặc điểm chung của tất cả các sản phẩm này đều không qua bất cứ đợt kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng nào. Mặc dù cơ quan chức năng nước này đã vào cuộc truy quét, điều tra các cơ sở sản xuất song tình trạng này vẫn tiếp diễn và gây lo ngại cho người dân.
Hàng tiêu dùng Trung Quốc chứa chất gây ung thư
Không chỉ dừng lại ở các thực phẩm, hàng loạt đồ dùng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc cũng khiến người tiêu dùng lo sợ do chứa chất gây ung thư
Ống hút Trung Quốc có chứa chất độc hại đang tràn lan trên thị trường Việt Nam
Mới đây nhất, cơ quan điều tra thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã phát hiện 90% lượng ống hút bằng nhựa bán trên thị trường được làm từ các vật liệu tái chế, chứa chất độc có thể hòa tan vào nước uống gây ra nhiều bệnh trong đó có ung thư.
Trước đó, hồi tháng 2/2013, các bậc phụ huynh Trung Quốc dấy lên mối lo ngại khi cơ quan chức năng phát hiện vở học sinh và đồng phục học sinh chứa chất gây ung thư.
Mới nhất, người ta phát hiện hai loại bột gạo Yayinle, được quảng cáo là giúp xương chắc khỏe và phát triển não bộ trẻ sơ sinh, đã bị phát hiện có chứa độc tố Aflatoxin, một hóa chất có khả năng gây ung thư.
Hai loại bột gạo chứa hóa chất độc hại này được phát hiện ở Quảng Châu, phía nam Trung Quốc, nằm trong lô sản phẩm sản phẩm dành cho trẻ em không qua kiểm nghiệm hồi đầu năm nay.
Thực trạng này khiến nhiều người dân Trung Quốc không khỏi lo lắng bởi mầm bệnh có thể đến từ bất cứ thứ gì xung quanh mình từ thực phẩm đến đồ tiêu dùng. Đáng ngại hơn, một lượng lớn những sản phẩm này còn bằng những cách khác nhau, lén lút xâm nhập thị trường các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Nguyễn Thủy – TPO