Trang chủ » Thông tin » Chuyên gia mách nhỏ » Thông tin » Những sai lầm “kinh điển” trong sơ cứu các tình huống thường gặp

Những sai lầm “kinh điển” trong sơ cứu các tình huống thường gặp

Mặc dù đều hiểu tác hại của những mẹo chữa bệnh dân gian vô căn cứ, song chúng ta vẫn mắc những sai lầm ngớ ngẩn và thậm chí nguy hiểm khi sơ cứu.

cap-cuu-19715b-6bc92

Sai lầm 1: Sát trùng vết thương bằng oxy già, cồn, iốt hoặc betadine

Sát trùng vết thương ngay lập tức là một việc làm thông minh, nhưng không phải bằng một dung dịch sát trùng, vì chúng không hiệu quả và thực sự gây đau.

Những bọt khí mà bạn thấy khi dùng nước ô xi già thoạt trông giống như đang tiêu diệt mầm bệnh, nhưng thứ duy nhất bị “tiêu diệt” lại là các nguyên bào sợi – những tế bào da chịu trách nhiệm chữa lành vết thương. Còn dùng cồn thì chỉ làm hại cho mô lành mà thôi.

Cách đúng: Mở vòi nước.

Cách tốt nhất để làm sạch vi khuẩn và các mảnh tổ chức ở vết thương là cho nó vào dưới vòi nước sách và “rửa như điên”. Nếu vẫn tiếp tục chảy máu, hãy ấn lên vết thương, tương tự như khi bạn bị chảy máu mũi.

Sau khi rửa sạch vết thương, có thể bôi một chút mỡ kháng sinh như Bacitracin hay Neosporin – mặc dù chưa có số liệu nào cho thấy những loại thuốc mỡ này này có khả năng chống nhiễm trùng, nhưng chúng có thể tạo nên một lớp màng bảo vệ, sau đó bạn có thể băng hờ vết thương hoặc để hở nếu có thể.

Cơ thể sẽ huy động các tế bào bạch cầu và tạo thành vảy –đa phần các trường hợp bạn nên để nguyên vì nó sẽ tạo thêm một bề mặt bảo vệ để vết thương có thể tiếp tục lành ở dưới.

Sai lầm 2: Ngửa đầu ra sau để ngăn chảy máu cam

Mọi người hay có xu hướng ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu cam vì nó trông rất đáng sợ. Nhưng ngửa đầu ra sau chỉ khiến máu chảy xuống họng, bạn sẽ nuốt phải máu và không biết mình bị chảy bao nhiêu máu, và quan trọng hơn là sẽ không cầm được máu.

Cách đúng: Giữ thẳng đầu để làm giảm áp lực máu ở các tĩnh mạch mũi.

Dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp chặt cả hai lỗ mũi trong khoảng 15 phút và thở bằng miệng. Sau 15 phút có thể thả tay ra, và nếu máu vẫn chảy, hãy kẹp lại thêm 15 phút nữa

Đa phần chảy máu cam là lành tính và sẽ tự hết. Hãy gọi bác sĩ nếu máu không cầm sau 30 phút hoặc chảy máu cam xảy ra sau một tai nạn, ví dụ như tai nạn ô tô.

Sai lầm 3: Cho rằng bệnh viện gần nhất là bệnh viện tốt nhất.

Khi có sự cố, thì việc đến bác sĩ càng sớm càng tốt là điều không phải bàn cãi, nhưng đôi khi sẽ khôn ngoan hơn nếu đừng rẽ vào một bệnh viện bất kỳ. Ví dụ nếu bạn bị đau tim, thì tốt hơn hết nên đến một bệnh viện có thể tiến hành can thiệp mạch vành.

Cách đúng: Trong trường hợp khẩn cấp, hành động đầu tiên vẫn là gọi xe cấp cứu, nhưng hãy sẵn sàng để đi.

Nếu tổng đài hoặc nhân viên cứu thương đề nghị nên đến một bệnh viện chuyên khoa khác xa hơn bệnh viện gần nhất, hãy làm theo lời khuyên của họ. Có bốn loại cơ sở chuyên khoa: tim, đột quỵ, bỏng và chấn thương tinh thần, và tùy theo từng trường hợp cấp cứu, chuyên môn của những cơ sở này có thể là sự khác biệt giữa sống và chết.

Nếu bệnh viện A cách 5 phút còn bệnh viện Z cách 20 phút, mọi người thường thấy lo lắng vì phải đi xa hơn và mất nhiều thời gian hơn, nhưng một khi bạn đã ở đó, bệnh viện Z có thể làm những việc mà bệnh viện A không làm được.

Sai lầm 4: Thực hiện hồi sức cấp cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt thay cho ép tim ngoài lồng ngực.

Hội Tim mạch Hoa Kỳ hiện nay kêu gọi hồi sức cấp cứu bằng tay. Một nghiên cứu về hồi sức cấp cứu đã cho thấy càng chậm ép tim ngoài lồng ngực thì tình trạng nạn nhân càng xấu đi.

Một báo cáo mới từ Viện Y học Mỹ thấy rằng chỉ 1/20 trong số 400.000 người bị lên cơn đau tim ngoài bệnh viện sống sót –một con số có thể được cải thiện một cách đáng kể nếu mọi người biết hồi sức cấp cứu đúng cách.

Cách đúng: Nếu có ai đó đột nhiên ngã quị trước mặt bạn, hãy kiểm tra mạch ở cổ.

Nếu không thấy mạch, bắt đầu ép tim ngoài lồng ngực ngay lập tức (đồng thời nhờ một người khác gọi cấp cứu). Đặt lòng bàn tay của bạn vào giữa ngực nạn nhân, đặt tay kia lên trên và ấn xuống khoảng 5cm mỗi lần – thực sự khiến ngực lõm xuống – khoảng 100 lần một phút. Nghĩa là hơn một lần ấn/giây.

Sai lầm 5: Đưa nạn nhân tai nạn ra khỏi xe hơi

Bạn luôn thấy điều này trên phim, nhưng chớ có bắt chước. Một trong những tổn thưởng nặng nề nhất, đặc biệt sau tai nạn ô tô, là tổn thương cột sống cổ. Khi di chuyển một người mà không cố định họ đúng cách, họ có thể bị liệt.

Cách đúng: Gọi cấp cứu và để việc vận chuyển nạn nhân cho nhân viên cứu hộ.

Trong lúc đó, hãy chắc chắn nạn nhân còn thở và càng thoải mái càng tốt. Trấn an nạn nhân rằng cứu hộ đang tới và ở lại đến khi xe cứu thương xuất hiện.

Sai lầm 6: Buộc garo ở tay hoặc chân để cầm máu

Đây là một phương pháp cầm máu vẫn rất phổ biến, nhưng ngăn không để máu chảy đến một bộ phận nào đó trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương mô vĩnh viễn và thậm chí mất chi. Giả dụ như khi động mạch ở cánh tay bị thương và máu chảy ra như suối, sử dụng garo sẽ cắt đứt hoàn toàn sự tuần hoàn của máu ở cánh tay – và không mang lại hiệu quả gì hơn việc ấn trực tiếp vào vết thương.

Cách đúng: Sử dụng gạc vô trùng hoặc vải sạch, ấn chắc vào vết thương và tiếp tục ấn cho dù miếng băng thấm đẫm máu (bạn có thể dùng thêm quần áo để ấn lên trên nếu cần thiết).

Bạn có thể chỉ cần dùng một ngón tay để cầm máu cho đến khi người bị nạn vào được phòng cấp cứu. Một ngoại lệ hy hữu là khi chi bị đứt lìa và nạn nhân không ngừng chảy máu. Hội Chữ thập đỏ khuyên nên đến bác sĩ nếu máu chảy không cầm vết thương nham nhở, bẩn hoặc do bị động vật cắn.

Sai lầm 7: Khi ai đó bị lên cơn co giật, hãy ngáng miệng họ bằng một chiếc bút chì để họ không cắn vào lưỡi

Nếu bạn đưa một vật miệng nạn nhân khi họ lên cơn co giật, nạn nhân có thể nuốt phải nó. Những đồ vật như bút chì hay ví tiền có thể gây bít tắc đường thở hoặc nạ nhân sẽ nuốt phải khi họ bắt đầu thở được. Và nguy cơ bị sặc dị vật lớn hơn nhiều so với lợi ích của việc ngăn không cho nạ nhân cắn vào lưỡi.

Cách đúng:Trong cơn động kinh, nạn nhân có thể co giật mạnh, sùi bọt mép và thậm chí tím tái. Nhưng những cơn co giật này sẽ tự hết – vì thế bạn không thể làm gì ngoài việc gọi trợ giúp và giữ cho nạn nhân tránh xa những mối nguy hiểm xung quanh, như những vật sắc nhọn, kính, nhiệt độ, hoặc ngã vào nước.

Bạn cũng có thể đẩy cho nạn nhân nằm nghiêng để đường thở được thông thoáng. Cần nhớ rằng cơn động kinh trông có vẻ như một trường hợp cấp cứu – nhưng thực ra lại không phải vậy.

Theo: Dân Trí

 

Nhận xét sản phẩm: "Những sai lầm “kinh điển” trong sơ cứu các tình huống thường gặp"