Củ hà thủ ô đỏ (trái trên), phiến hà thủ ô đỏ (phải trên)
Củ nâu (trái dưới), phiến củ nâu (phải dưới)
1. Hà thủ ô đỏ (thật):
Có dạng gần giống củ khoai lang với mặt ngoài màu nâu đỏ, có nhiều chỗ lồi lõm, cứng chắc, rất khó bẻ. Mặt cắt ngang có lớp vỏ bần màu nâu sậm, lớp bên trong màu hồng có nhiều bột, ở giữa thường có lõi gỗ cứng. Bột có màu nâu hồng, không mùi, vị đắng chát.
Chế biến hà thủ ô như sau: ngâm nước vo gạo đặc một ngày đêm, vớt ra rửa sạch, để ráo. Nấu nhừ đậu đen (cứ 300 gam đậu đen để chế 1kg hà thủ ô đỏ), lấy nước đậu đen cho vào nồi chứa sẵn hà thủ ô rồi đem chưng cách thủy. Chưng 1-2 giờ vớt hà thủ ô ra đem phơi, rồi tiếp tục cho hà thủ ô với nước đậu đen vào nồi chưng tiếp lần 2, rồi lại đem phơi, làm nhiều lần cho đến khi nước đậu ngấm hết vào hà thủ ô. Cuối cùng sấy ở 60OC hoặc phơi khô. Đóng gói kỹ để dành dùng lâu ngày.
Nước đậu đen giúp hà thủ ô thơm hơn và màu sắc cũng sậm hơn, hoạt chất antocyanidin có trong đậu đen làm giảm tính chát của hà thủ ô, hạn chế tác nhân gây táo bón và kích ứng ruột. Sau khi chế hà thủ ô có tác dụng chữa cơ thể suy nhược, lưng gối mỏi đau, váng đầu, hoa mắt, tóc bạc sớm, huyết áp cao, xơ cứng động mạch, thần kinh suy nhược.
2. Hai loại còn lại là hà thủ ô giả có thể là:
– Củ nâu: phiến hà thủ ô giả thường dày khoảng 1-3mm, màu nâu hồng hay nâu tím, hình hơi tròn hay bầu dục, thường cong queo, lớp bề ngoài hơi sần sùi hay có xơ gai nhỏ bị cắt ngang hay dọc, cứng, khó bẻ, vị rất chát, se lưỡi. Dùng lâu ngày sẽ tích tụ chất độc trong cơ thể và hại gan, thận.
– Hà thủ ô trắng là loại dây mọc bò hoặc leo, người ta lấy thân thái mỏng dùng thay cho hà thủ ô đỏ. Hà thủ ô trắng thơm nhẹ, vị đắng chát, nhiều nhựa trắng trên thân lá, không có tác dụng bồi bổ cơ thể như hà thủ ô đỏ.
Theo DS Lê Kim Phụng – Tuổi trẻ