Trang chủ » Thông tin » Chuyên gia mách nhỏ » Thuốc không cần ghi toa: cách dùng an toàn

Thuốc không cần ghi toa: cách dùng an toàn

Thuốc không cần ghi toa hay OTC (Over-the-counter) là những thuốc có thể sử dụng an toàn và hiệu quả mà không cần chỉ dẫn và sự theo dõi của bác sĩ.

uống thuốc

Có những thuốc trước đây cần ghi toa, nhưng trải qua nhiều năm sử dụng đã chứng minh được độ an toàn cao và hiệu quả nên có thể được chuyển thành không cần ghi toa. Hiện tại có hơn 700 mặt hàng OTC đang được bán trên thị trường trước đây thuộc nhóm phải ghi toa.

Ở nhiều nước, thuốc OTC được kiểm soát bởi một cơ quan quản lý để đảm bảo thuốc an toàn và hiệu quả khi sử dụng mà không có sự theo dõi của bác sĩ (ở Mỹ là FDA). Một trong các loại thuốc OTC lâu đời nhất là Aspirin. Theo thời gian, thường là 3-5 năm, các thuốc phải được chứng minh là an toàn mới được chuyển sang dạng OTC. Một vài loại thuốc OTC bị xem xét và thu hồi khỏi thị trường.

Các nhóm thuốc OTC cho một số bệnh thường gặp

Biếng ăn; Cảm cúm; Dị ứng; Ợ nóng; Thuốc ho; Tiêu chảy; Rối loạn tiêu hóa; Sốt; Táo bón; Bỏng; Sổ mũi; Đau răng; Thuốc tránh thai…

Sử dụng thuốc OTC như thế nào?

Ðọc kỹ nhãn thuốc

Ðây là yêu cầu rất quan trọng, nhưng không phải ai cũng quan tâm đầy đủ. Nếu bạn luôn ghi nhớ những lời thầy thuốc dặn dò, thì cũng không vì lý do gì bạn lại không đọc kỹ nhãn thuốc trước khi sử dụng. Vì để hiểu rõ một loại thuốc, không có cách nào tốt hơn là đọc kỹ những thông tin về nó.

Theo quy định, tất cả các thông tin cần thiết trên hộp thuốc đều phải được trình bày một cách rõ ràng ở vị trí dễ nhìn nhất, từ ngữ phải thật dễ hiểu. Những thông tin chính trên nhãn thuốc gồm:

– Thành phần có hoạt tính: Là những chất có tính trị liệu của thuốc. Những chất này đều được ghi rõ hàm lượng.

– Chỉ định: Thuốc được dùng cho những bệnh nào hay điều trị những triệu chứng gì. Thí dụ như: hạ sốt, giảm đau, chống đầy hơi…?

– Lưu ý: Những tương tác thuốc hay tác dụng phụ của thuốc có thể có, khi nào nên dừng thuốc, nếu đang có thai hay cho con bú thì phải dùng như thế nào, để xa tầm với của trẻ em…

– Hạn sử dụng: Ngày hết hạn của thuốc.

Tương tác thuốc

– Tương tác giữa 2 loại thuốc hoàn toàn có thể xảy ra, dẫn đến những tác dụng không mong muốn, làm giảm hay tăng hoạt tính của một thuốc khác, do đó bạn cần phải nắm rõ về vấn đề này. Một số thuốc còn có thể tương tác với thực phẩm và thức uống.

– Tránh uống rượu nếu đang dùng thuốc nhóm Antihistamine, thuốc ho trong thành phần có dextro-methorphan hay thuốc trị mất ngủ.

– Không được uống thuốc ngủ nếu đang uống thuốc an thần.

– Không uống Aspirin nếu bạn bị viêm loét dạ dày tá tràng.

– Không dùng thuốc nhuận tràng nếu đang bị đau bao tử hay nôn ói.

– Trừ khi có chỉ định của bác sỹ, nếu không bạn không được dùng thuốc chống sung huyết mũi nếu đang uống thuốc điều trị cao huyết áp, trầm cảm, bệnh tim mạch, bệnh tuyến giáp, đái tháo đường hay bệnh tiền liệt tuyến.

– Ðôi khi nhà sản xuất có thể thay đổi hoặc thêm vào một số chất khác trong thành phần hoặc cung cấp thêm thông tin về thuốc, vì vậy tốt nhất vẫn phải đọc kỹ nhãn thuốc có sẵn trong hộp mỗi lần sử dụng.

Sử dụng với phụ nữ mang thai và trẻ em

*Phụ nữ có thai hay đang cho con bú:

– Một số thuốc có thể đi từ mẹ qua nhau tới thai gây ảnh hưởng cho thai nhi. Vì vậy luôn luôn phải có ý kiến của bác sỹ trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào kể cả sản phẩm dinh dưỡng, vì cho dù chỉ là một lượng thuốc nhỏ thật sự an toàn cho mẹ cũng có thể là quá nhiều cho thai nhi.

– Mặc dù hầu hết các thuốc khi đi qua sữa mẹ đều có nồng độ rất thấp, ít gây ra những tác dụng không mong muốn cho trẻ. Nhưng tốt hơn hết, vẫn nên thận trọng hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ trước khi sử dụng để có được liều thấp nhất, giúp lượng thuốc truyền qua trẻ ở mức tối thiểu.

* Khi sử dụng thuốc cho trẻ em:

– Cần tuân thủ đúng giới hạn tuổi và hướng dẫn dùng thuốc cho trẻ theo tờ chỉ dẫn.

– Cần phân biệt thế nào là muỗng súp, muỗng cà phê hay trà vì thầy thuốc thường ghi liều uống thuốc cho trẻ theo muỗng. Phải nhớ liều lượng giữa 2 loại muỗng là rất khác nhau, như liều lượng muỗng trà hay cà phê chỉ bằng 1/3 so với muỗng súp.

– Không tự ý tăng liều thuốc lên gấp đôi chỉ vì triệu chứng bệnh lần này của trẻ có vẻ nặng hơn lần trước.

– Không được cho trẻ uống Aspirin vì có thể gây hội chứng Reye, nguy hiểm đến tính mạng.

– Không sử dụng đơn thuốc của trẻ khác cho con mình vì thấy có những triệu chứng bệnh tương tự.

– Nếu dùng 2 loại thuốc cùng lúc cho trẻ thì phải hỏi ý kiến thầy thuốc hay dược sỹ.

– Không để trẻ tự uống thuốc một mình.

– Không bao giờ được gọi thuốc là kẹo để dụ trẻ uống, vì có thể sau này trẻ sẽ tự lấy thuốc ra ăn vì lầm tưởng là kẹo.

– Nên sử dụng những dạng thuốc thích hợp cho trẻ nhỏ như dạng si rô hay bột. Không sử dụng dạng viên nén vì có thể gây nguy hiểm nếu trẻ bị hóc.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc OTC

– Ðừng sử dụng liều cao hơn hay dài ngày hơn liều đã được khuyến cáo trong tờ hướng dẫn.

– Mỗi lần mua thuốc, mặc dù là loại đã dùng quen vẫn phải đọc kỹ lại để tránh trường hợp nhà sản xuất cho ra một sản phẩm có tên tương tự, nhưng lại có thêm một chất mới trong thành phần không phù hợp với bạn.

– Cuối cùng, nếu đã uống thuốc nhưng các triệu chứng bệnh vẫn không giảm hoặc tồn tại mãi thì phải đi khám bác sĩ để có chỉ định thích hợp.

Nhận xét sản phẩm: "Thuốc không cần ghi toa: cách dùng an toàn"