Trước hết, đa số thuốc hết hạn sẽ không còn nguyên hiệu lực, thậm chí không còn hiệu lực. Điều này có nghĩa là thuốc sẽ không có đủ khả năng chống chọi với những chứng bệnh hoặc những rối loạn mà chúng vốn có khả năng dập tắt khi còn ở hạn sử dụng. Hơn nữa, sử dụng thuốc quá hạn cũng làm cho người dùng có một cảm giác “an toàn giả”. Cứ tưởng rằng sau khi uống thuốc thì bệnh sẽ hết nhưng thực tế, thuốc đã giảm tác dụng; thay vì thời gian bình phục sớm hơn thì người sử dụng vẫn còn yếu ớt, nếu uống một liều tiếp cũng là thuốc hết hạn sẽ làm bệnh có thể trở nặng thêm.
Một lý do khác để tránh việc sử dụng thuốc quá hạn là chúng có thể chứa độc tính. Hoạt chất của thuốc theo thời gian có thể sẽ chuyển sang một dạng hợp chất hóa học khác xa với hợp chất ban đầu và những hợp chất mới này sẽ sinh độc tính cao. Về mặt lý thuyết, độc tính này còn nguy hiểm hơn cả căn bệnh mà người sử dụng thuốc đang mắc phải.
Có nhiều loại thuốc tuyệt đối không bao giờ dùng khi quá hạn. Đó là thuốc tim mạch, nhất là nitroglycerin dùng cho bệnh đau thắt ngực, thuốc kháng đông máu như warfarin, thuốc chống động kinh, trị bệnh đái tháo đường, các bệnh về tuyến giáp, hen suyễn…
Với những loại thuốc khác dùng để trị các bệnh thông thường, không nghiêm trọng (như thuốc giảm đau) mà vừa quá hạn sử dụng không lâu và bạn nghi ngờ không biết có thể “tận dụng” hay không thì nên trao đổi với dược sĩ tại nhà thuốc. Dược sĩ sẽ nghiên cứu loại thuốc, chỉ định và các đặc tính lý hóa để xem nó có thể sử dụng được hay không. Khi chưa hỏi dược sĩ thì bạn không nên dùng.
Điều người sử dụng thuốc cũng cần lưu ý là đừng quá tin tưởng vào hạn sử dụng của thuốc. Bởi cho dù vẫn còn hạn sử dụng mà cách bảo quản không thích hợp thì vẫn có thể làm thuốc giảm hoặc mất tác dụng. Vì vậy, cần hỏi dược sĩ cách bảo quản loại thuốc mà bạn đang sử dụng ở những điều kiện môi trường thích hợp. Không nên bỏ thuốc quá hạn xuống sông hồ, bồn cầu nhà vệ sinh… vì chúng sẽ làm ô nhiễm nguồn nước.
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường – Người lao động