Trang chủ » Thông tin » Thuốc không an toàn - Tác hại » Sự nguy hại của phế thải dược phẩm tới sức khỏe

Sự nguy hại của phế thải dược phẩm tới sức khỏe

Con người đã nghiên cứu sản xuất hàng ngàn, hàng chục ngàn sản phẩm dược phẩm với mục đích chữa bệnh mang lại phẩm chất sống tối ưu. Tuy nhiên việc khống chế tác hại chất thải của các dược phẩm trên ở ngoài môi trường hầu như chưa được biết đến. Chính những hoá chất này có mặt trong môi trường một cách vô tội vạ hiện đang là một thách thức lớn cho con người.

 

Con đường xâm nhập môi trường của dược phẩm

Có thể nói việc thải hồi không đúng cách của các dược phẩm không còn dùng nữa là nhân tố lớn nhất cho vấn đề ô nhiễm dược phẩm. Dược phẩm hết hạn, hay không còn dùng nữa đã đi vào môi trường qua nhiều ngả khác nhau mà con người là nguyên nhân của việc tạo ra nguồn ô nhiễm trên.

Do sự thiếu hiểu biết của người sử dụng nên dược phẩm không được xem như là chất làm phương hại đến môi trường. Mỗi loại thuốc có một đời sống riêng và có mục đích trị liệu một số bệnh để làm tăng phẩm chất của cuộc sống con người. Nhưng chính nó cũng là những độc tố trong một chừng mực nào đó do hệ quả của nó để lại và ảnh hưởng lên con người.

Dược phẩm không ngừng ở đó sau khi con người hay động vật uống vào. Chúng đã được thải hồi qua đường đại tiểu tiện, rồi qua hệ thống xử lý nước thải, qua đường nước mưa và nước tưới nông nghiệp. Còn đa số các dược phẩm gia đình còn thừa thường được đổ bỏ qua đường toilet hoặc túi rác và chúng sẽ xâm nhập môi trường qua các con đường đó.

 

Ngay cả đối với những nhà máy sản xuất dược phẩm vẫn chưa đặt trọng tâm đúng mức cho việc bảo vệ môi trường trong việc nghiên cứu và sản xuất dược phẩm. Tiến trình sản xuất và tinh chế một dược phẩm đòi hỏi một lượng rất lớn nước cho nhu cầu trên và chất thải lỏng có chứa dược phẩm này và các phó sản phần đông đi thẳng vào hệ thống cống rãnh.

Phế thải dược phẩm cần được phân loại và xử lý trước khi đưa ra môi trường

 

Dược phẩm một khi được trộn lẫn với nhau sẽ phản ứng tương hỗ theo phản ứng hoặc ôxy – hoá khử, hoặc thủy phân để biến thành các hóa chất trung gian. Một khi đi vào môi trường, qua các phản ứng hoá học giữa chúng với nhau, qua các phản ứng sinh hủy (bio-degradation)… chúng trở thành một hoá chất khác, có thể có tính độc hại cao hơn và đời sống bán hủy dài hơn, nghĩa là tồn đọng trong môi trường lâu hơn, và dĩ nhiên gây di hại nhiều hơn.

Và một khi một hỗn hợp dược phẩm đã được trộn lẫn vào nhau, mức ảnh hưởng hay sự độc hại không nằm trong các dược phẩm nguyên thủy mà còn nằm trong các phản ứng giữa chúng với nhau và các thành phẩm bị tách ra trong phản ứng. Những hoá chất này hoàn toàn chưa được biết đến và kiểm soát.

Các nguồn phế thải dược phẩm gây ô nhiễm môi trường chính bao gồm:

Nhà máy xử lý hệ thống cống rãnh: các nhà máy này xử lý cơ học, hóa học, đôi khi xử lý sinh học, nhưng vẫn không thể nào loại tất cả dược phẩm có trong nguồn nước này.

Bãi rác: dược phẩm xâm nhập bãi rác qua nguồn rác sinh hoạt gia đình do con người phát thải ra. Bùn (sludge) phát sinh do việc xử lý nước cống rãnh cũng là nguồn ô nhiễm dược phẩm trong các bãi rác.

Nguồn nước uống: nguồn nước rỉ từ bãi rác cũng như nước xử lý dùng để tưới tiêu mang dược phẩm còn tồn đọng sẽ thấm vào mạch nước ngầm qua hiện tượng thấm sâu (percolation), do đó sẽ làm ô nhiễm nguồn nước uống cho con người.

Gia súc chăn nuôi: Trong quá trình chăn nuôi hiện đại, thức ăn gia súc thường được pha trộn hormon tăng trưởng, thuốc kháng sinh và một số dược phẩm khác cho nhiều mục tiêu chăn nuôi khác nhau. Từ đó, nước tiểu và phân súc vật cũng là nguồn ô nhiễm dược phẩm không kém phần quan trọng.

Ảnh hưởng lên đời sống con người

Một số nghiên cứu riêng biệt hiện nay đưa ra vài suy nghĩ về ô nhiễm dược phẩm ảnh hưởng lên con người. Con số này tuy nhỏ nhưng đã nói lên mức độ quan tâm của những nhà khoa học hiện đại. Sự hiện diện của một dung lượng thật nhỏ của hoá chất thalidomide trong nguồn nước uống có thể ảnh hưởng lên thai nhi trong bụng mẹ.

Các dược phẩm thông thường ảnh hưởng đến hệ sinh thái là: hormones, thuốc trụ sinh – kháng sinh, các loại thuốc điều hòa mỡ trong máu, dược phẩm chống nhiễm (anti-inflammatory drugs), dược phẩm dưới dạng beta-blockers, thuốc an thần, các loại dược phẩm ảnh hưởng lên sự chuyển đổi di truyền và dược phẩm cường dương như viagra…

Trước nguy cơ trên, mỗi người trong chúng ta phải ý thức và hành động để có thể hạn chế được nguy cơ này. Tuy nhiên, phế thải dược phẩm hiện nay vẫn là một câu hỏi lớn cho những nhà làm khoa học và môi sinh.

Làm thế nào để hạn chế sự xâm nhập của dược phẩm đối với môi trường?

Giáo dục cho cộng đồng hiểu rõ mức tác hại của sự ô nhiễm dược phẩm. Nhắc nhở mọi người chấm dứt việc đổ dược phẩm vào toilet. Dược phẩm không dùng cần trộn lẫn với xác cà phê hay hỗn hợp phế thải của mèo để tránh kẻ gian dùng lại rất nguy hiểm. Cần phải có chương trình và đặt địa điểm thu hồi lại dược phẩm ở dạng rắn ở địa phương. Sau đó phế thải này sẽ được đem đi thiêu đốt.

TS. Mai Thanh Truyết – SKĐS

 

Bài thuốc nam lành tính hay khác điều trị bệnh trĩ tại nhà thuốc nam An Dược !

Nhận xét sản phẩm: "Sự nguy hại của phế thải dược phẩm tới sức khỏe"