(TNO) Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đã được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế tổ chức ngày 6.12 tại Hà Nội.
Hệ thống phân phối thuốc sẽ được siết chặt, giảm các tầng nấc trung gian – Ảnh: Ngọc Thắng |
Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, tiêu dùng thuốc bình quân trong nước hiệc đã lên đến 31,18 USD/người/năm, tăng 1,2 lần so với 5 năm trước đây. Đến tháng 11.2014, cả nước đã có 133 nhà máy sản xuất thuốc đạt thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP). Việt Nam là một trong số ít quốc gia sản xuất được vắc xin với 17 số đăng ký đã được cấp phép cho các vắc xin trong nước, giúp phòng 10 bệnh dịch nguy hiểm.
Tuy nhiên, ông Cường cũng nêu rõ, ngành dược Việt Nam đang gặp khó khăn trong quá trình phát triển, trong đó, nguyên liệu sản xuất thuốc còn phụ thuộc nước ngoài với gần 90% phải nhập khẩu; hệ thống phân phối thuốc yếu về trình độ và công nghệ quản lý.
Trong nước chưa giữ được thế chủ động (nắm hệ thống phân phối) để giảm phụ thuộc nước ngoài, khiến khó khăn trong điều tiết thị trường, bảo đảm nguồn cung thuốc chuyên khoa, đặc trị vắc xin khi có dịch bệnh.
Ông Cường cho rằng, với khoảng 2.000 doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh phân phối, thuốc hiện vẫn đang được phân phối qua nhiều tầng nấc trung gian, buôn bán lòng vòng gây khó khăn cho quản lý giá.
Trong chiến lược phát triển ngành dược, lần đầu tiên Việt Nam sẽ bắt tay vào xây dựng năm trung tâm phân phối thuốc tại năm khu vực: miền núi phía bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ – Tây nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Việc này nhằm đồng bộ với lộ trình tiến đến thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia sẽ được triển khai trong thời gian tới đây, giúp chủ động về nguồn thuốc cung ứng đến các vùng miền và giá thuốc sẽ được kiểm soát gắt gao hơn.
Liên Châu