Hậu quả khôn lường
Mỗi năm không biết có bao nhiêu con khỉ bị “hóa kiếp” dưới bàn tay con người với lý do “nhân văn” là chữa bệnh. Khỉ được con người khai thác triệt để, thậm chí không để chừa một cọng lông. Từ thịt khỉ, tiết khỉ, mỡ khỉ, óc khỉ, mật khỉ… đến lông khỉ đều trở thành “thần dược” với con người.
Vậy sức mạnh của “thần dược” ấy đến đâu?
GS.TS Dương Trọng Hiếu thẳng thắn khẳng định: “Những bài thuốc như thế này được con người truyền tai nhau từ thời xa xưa. Cho đến nay đã hàng nghìn năm chưa có khoa học nào chứng minh công dụng của nó. Tác dụng thôi còn chưa biết chứ đừng nói đến thần dược”.
Xương và sọ khỉ được dùng để nấu cao (Ảnh: ENV)
GS Hiếu dẫn chứng cụ thể như óc khỉ, nhiều người truyền tai nhau món cao lâu này giúp bổ thần kinh, nhuận gia, cường thận, đặc trị các bệnh tê bại liệt… Nhưng không để ý rằng trong đó chứa nhiều mỡ cholesterol. Ăn phải có thể gây ra tăng lượng mỡ trong máu và phản tác dụng, dẫn đến tắc thành mạch. Với người bị bệnh xơ vữa hay gút làm bệnh nặng thêm.
Các loại thuốc “tự chế” này thường xuất phát từ đồn thổi, truyền miệng. Tức là người này dùng thấy khỏi lại truyền đến người kia mà không hề có sự kiểm chứng. “Có khi 2, 3 người đầu dùng thì khỏi bệnh nhưng đến người tiếp theo thì hỏng”- GS Hiếu kể.
Khi con người ăn phải thực phẩm độc hại xuất hiện các triệu chứng phản ứng lại ngay như đau bụng, buồn nôn, từ đó sẽ kịp thời xử lý. Còn với những loại “thần dược” như thế này, thường có hiện tượng bán trường diện tức là không phản ứng ngay mà tích lũy trong một thời gian dài và gây bệnh.
Để chứng minh thêm điều này, GS Hiếu ví dụ cụ thể về câu chuyện sử dụng nhân sâm: “Nhân sâm vốn được dân gian tương truyền là loài thuốc quý, vậy mà có người dùng xong còn lăn ra chết. Không ai bảo trong nhân sâm có độc nhưng nếu dùng bừa bãi lại gây hậu quả nghiêm trọng. Vì thế với những thứ được coi là “thần dược” lại khai thác tùy tiện thì hậu quả càng khôn lường”-.
Chữa bệnh bằng “thần dược” từ khỉ: Quá kém!
Quan niệm “ăn gì bổ nấy” xuất phát từ thời tiền sử. Khi có bệnh tật, loài người đã tự tìm ra cách chưa bằng những gì có ở xung quanh như cây cỏ, động vật. Nguồn gốc của “thần dược” óc khỉ gắn liền với câu chuyện Từ Hy Thái Hậu đãi các quan khách nước ngoài. Chỉ có bậc vua chúa mới được thưởng thức món ăn quý.
Ngày nay, khoa học phát minh ra những điều thần kỳ cứu sống con người khỏi bệnh tật thì nhiều người vẫn tự cho mình là “sành điệu” khi sở hữu “thần dược” có từ thời tiền sử. Có gia đình sở hữu bình rượu đặt nguyên cả con khỉ, chưa qua xử lý vào ngâm và gọi đó là… rượu thuốc quý. Thịt khỉ được chế biến trở thành “đặc sản” mà nhiều người ăn nhậu kiêm chữa bệnh. Dĩ nhiên cũng chỉ có những người thuộc tầng lớn “quý tộc” mới dám bạo tay chi tiền cho món “thần dược” này.
Nhiều người “bạo tay” chi tiền để có bình rượu như thế này (Ảnh: ENV)
GS Hiếu mạnh mẽ chỉ trích hành động hủy diệt thiên nhiên: “Không biết thuốc có tác dụng đến đâu nhưng phạm luật thì quá rõ. Điều đó chứng tỏ chủ nhân của nó có kiến thức quá kém. Đến con người 2, 3 ngày không tắm còn bẩn đến sinh bệnh nữa là sử dụng những con vật như thế. Không có thuốc Đông Y nào như thế. Nguyên liệu làm thuốc phải là nguyên liệu an toàn, có qua kiểm chứng chứ không được làm bậy”.
GS Dương Trọng Hiếu khuyến cáo người bệnh nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc của thuốc khi chữa bệnh. Không nên nghe theo người nọ, người kia đồn thổi mà phải có sự kiểm chứng rõ ràng. Ngay cả lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh cũng cần phải cần nhắc, tránh để “tiền mất tật mạng”.
Theo suckhoe365.net