Đông – Tây y đều bị làm giả
Thời gian qua, có nhiều loại thuốc bị làm giả đã được bày trên thị trường, thậm chí đi vào cả bệnh viện qua con đường đấu thầu. Thuốc giả ngày càng được làm tinh vi, bằng cảm quan rất khó phát hiện.
Các loại thuốc bị làm giả phần nhiều là thuốc tân dược, như: Tanganil 500mg điều trị chóng mặt; Mobic 7,5mg dùng điều trị bệnh lý về xương, khớp, cột sống; Cota xoang trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng; Sibelium dự phòng đau nửa đầu, điều trị chứng chóng mặt; Neo-Codion trị ho… Không chỉ thuốc thông thường mà ngay cả các thuốc ngoại đặc trị, phải sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ cũng bị làm giả. Ví như: Vastarel 20mg điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực, Dogmatil 50mg điều trị lo âu và rối loạn hành vi…
Thuốc đông y vốn được coi là an toàn, nhưng gần đây cũng bị làm giả. Lực lượng chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, cùng Chi cục Quản lý trật tự Hà Nội, đã đồng loạt kiểm tra 5 cửa hàng: 2 cửa hiệu gần Bệnh viện quân đội 108 trên phố Trần Hưng Đạo, 1 cửa hiệu ở phố Phủ Doãn, 1 cửa hiệu trên phố Hai Bà Trưng và 1 cửa hiệu ở phố Phạm Ngọc Thạch, phát hiện và thu giữ hàng chục hộp thuốc đại tràng hoàn Bà Giằng và phong tê thấp Bà Giằng bị làm giả.
Khó kiểm soát
Ông Hà Thế Hùng – Đội trưởng Đội Chống hàng giả (Công an Hà Nội) – cho biết: Chưa bao giờ mật độ phát hiện, yêu cầu thu giữ các loại thuốc giả lại dày đặc như thời gian qua. Cứ sản phẩm nào bán chạy, ngay sau đó, thuốc giả sẽ xuất hiện. Lượng thuốc giả phát hiện và thu giữ mới chỉ một phần, trên thực tế, số lượng còn lớn hơn rất nhiều. Đơn cử như sản phẩm đông trùng hạ thảo được coi là mặt hàng rất hiếm, tìm mua tận nơi sản xuất ở Trung Quốc còn không có. Trong khi tại Hà Nội, đông trùng hạ thảo dạng viên, nước, nguyên con, loại nào cũng có, bày bán nhan nhản tại các cửa hàng thuốc, mua bao nhiêu cũng được và giá rất rẻ.
Để chống thuốc giả đạt hiệu quả nhất thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của 3 thành phần: Các cơ quan thực thi pháp luật, nhà sản xuất và người bệnh. |
Tuy nhiên, để khẳng định sản phẩm đó là hàng giả và việc tiến hành xử lý lại không đơn giản vì muốn đối chứng với hàng thật cũng không có. Muốn thực hiện, phải gửi mẫu sang công ty hoặc cơ sở sản xuất tại nước ngoài để đối chứng, chi phí cao, hồi âm lâu, trong khi theo quy định, chỉ sau 3 tháng kể từ ngày phát hiện, nếu không đủ yếu tố cấu thành phạm tội là hết hiệu lực khởi kiện. Tình trạng này, đang xảy ra với các loại thuốc giả của Mỹ, châu Âu do các nước thứ 3 sản xuất rồi nhập khẩu về Việt Nam.
Phát hiện đã khó, việc xử lý thuốc giả đang tiêu thụ tại Việt Nam càng khó hơn. Theo quy định, sau khi kiểm nghiệm, phát hiện thuốc giả, kém chất lượng, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) hoặc Sở Y tế địa phương sẽ gửi công văn tới các DN và nhà thuốc yêu cầu thu hồi. Thế nhưng, trên thực tế, trước khi có lệnh thu hồi, thuốc đã được tung ra thị trường và tiêu thụ. Chính vì vậy, thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ được thu hồi… trên văn bản.
Theo TS.Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược, các sản phẩm thuốc khi nhập vào Việt Nam đều được kiểm nghiệm chất lượng, theo dõi các phản ứng phụ và thu hồi nếu phát hiện sản phẩm không đạt chỉ tiêu như công bố. Nhưng có loại thuốc, nhất là thuốc mới, phải sử dụng trên người bệnh mới phát hiện vấn đề. Thậm chí, có thuốc khi phát hiện phản ứng gây hại, sau khi cân nhắc với lợi ích thuốc mang lại, vẫn được chấp nhận. Hiện nay, với những loại thuốc nhập khẩu, việc đưa ra cảnh báo về độc tố vẫn còn nằm ngoài khả năng của hệ thống kiểm nghiệm dược trong nước.
Theo NIDQC